Không “bóp méo” giá cả

Trong mọi nền kinh tế, giá cả luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Nó được coi là đòn bẩy kinh tế trong cơ chế thị trường.

Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chỉ rõ định hướng lĩnh vực giá cả. Theo đó, thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có điều tiết của nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Theo phân tích của chuyên gia, trong những năm qua, chính sách giá cả đã góp phần quan trọng chuyển đổi nền kinh tế từ hành chính bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý điều tiết của Nhà nước. Giá cả được quản lý, điều hành bằng các biện pháp kinh tế, phù hợp dần với cơ chế thị trường đã giảm mạnh việc bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá, giảm độ “méo mó” của hệ thống giá. Tuy nhiên, giá cả thị trường vẫn ngổn ngang những bất cập, buông lỏng quản lý một số mặt hàng thiết yếu.

Không “bóp méo” giá cả - 1

Giá cả được coi là đòn bẩy kinh tế trong cơ chế thị trường

Tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực làm hại đến lợi ích của người tiêu dùng chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là tình trạng hạch toán gian lận chi phí sản xuất, đầu tư, chi phí góp vốn chưa được thẩm định đầy đủ. Chưa kiểm soát tốt hiện tượng nâng giá đầu vào, tăng giá đầu ra không hợp lý của một số hàng hóa, dịch vụ; hiện tượng lợi dụng sự biến động của giá thị trường, chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để tăng giá. Đó là chưa kể chúng ta còn thiếu quy định cơ chế cạnh tranh giá như thỏa thuận giá, đấu thầu, đấu giá, định giá dựa vào cạnh tranh. Hậu quả của chính sách giá cả đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, “đánh” mạnh vào người tiêu dùng, tác động xấu tới chất lượng tăng trưởng. Nguyên nhân của tình trạng này được một số nhà quản lý, điều hành giá cả chỉ ra là do yếu kém về quản lý chứ không phải vì thiếu khung pháp lý.

Thời gian qua, giá cả thị trường bị “xô đẩy” từ hai phía: tình trạng đầu cơ thái quá, sự can thiệp quá tay của Nhà nước trong nhiều trường hợp và cuối cùng là hệ thống phân phối không hợp lý, không thông suốt. Đây là yếu tố cơ bản đã và đang làm giá cả thị trường bị “bóp méo”. Phải thừa nhận, điều khó nhất trong việc “cầm lái” giá cả là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Theo đó, nhà nước cần đảm bảo bàn tay can thiệp về giá phải phù hợp với vai trò, chức năng của mình trong cơ chế thị trường, nhất là phải tôn trọng các quy luật của thị trường. Có thể ví như người cầm lái “con thuyền” giá cả lựa theo luồng lạch, dòng chảy cũng như sóng gió thị trường.

Phân tích, “mổ xẻ” nguyên nhân cũng như hậu quả của chính sách quản lý giá cả thị trường, một số chuyên gia đề xuất nên tập trung về một đầu mối chức năng, nhiệm vụ quản lý về giá cho một cơ quan, tránh sự trùng lặp. Nên tách hoạt động định giá ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước. Hoạt động định giá thuộc về các tổ chức độc lập, khách quan theo luật pháp. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần ban hành tiêu chuẩn, chuẩn mực, phương pháp định giá, công bố giá bán kịp thời, minh bạch. Đương nhiên vẫn phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá như đăng ký giá, kê khai, niêm yết, nhất là những mặt hàng thiết yếu: điện, xăng dầu, đất đai, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, gas… Kiểm soát, kiểm tra chứ không phải can thiệp thì mới không “bóp méo” giá cả theo cơ chế thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đan Thanh (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN