Khởi nghiệp từ vài con gà ông ngoại cho, 8x Hà Nội thu về hơn nửa tỷ đồng/năm
"Lúc đầu, nghe mình bảo nghỉ việc về quê nuôi gà, bạn bè ai cũng bảo là nghĩ quẩn vì nhiều người muốn tìm việc còn không được nhưng mình vẫn quyết tâm thực hiện".
Đó là chia sẻ của anh Đỗ Viết Cường (SN 1985), trú tại thôn Xuân Trung, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội) khi bỏ công việc ổn định tại thành phố để về quê nuôi gà chọi.
Anh Cường có niềm đam mê gà chọi từ nhỏ. Năm 1997, anh được ông ngoại cho những con gà chọi đầu tiên để nuôi và chỉ dẫn bí quyết chăm sóc, nuôi dưỡng, giữ gìn thú chơi độc đáo này.
Thế rồi, như cái duyên với gà chọi, lớn lên đi học hay đi làm xa nhà, mỗi lúc rỗi rãi, anh Cường lại dành thời gian tìm hiểu, chăm sóc gà chọi.
Đam mê với gà chọi từ nhỏ, anh Cường quyết định về quê nuôi gà.
Học xong Cao đẳng rồi làm việc cho một doanh nghiệp xây dựng, vận tải với mức lương khá ổn định nhưng anh Cường vẫn mong mỏi có cơ hội theo đuổi đam mê từ thuở bé của mình.
Năm 2018, anh Cường chính thức xin nghỉ việc ở doanh nghiệp để về quê bắt tay vào đầu tư công sức, tiền của để theo đuổi đam mê với gà chọi.
Anh chia sẻ: "Lúc đầu, nghe mình bảo nghỉ việc về quê nuôi gà, gia đình, bạn bè ai cũng bảo là nghĩ quẩn vì nhiều người muốn tìm việc còn không được nhưng mình vẫn quyết tâm thực hiện".
Bắt đầu từ khu đất của gia đình, anh Cường tự tay lên kế hoạch xây dựng từng dãy chuồng, chia từng ô nhỏ để nuôi nhốt gà chọi trực chiến.
Từ vài con gà chọi ông ngoại cho, anh Cường đã nhân giống và sở hữu hàng trăm con gà chọi có giá trị.
Theo anh Cường, bất cứ ai chơi gà chọi đều biết rằng tông dòng là yếu tố hàng đầu nên việc tuyển lựa gà bố mẹ làm giống rất quan trọng. Gà con sau khi ấp nở sẽ được tuyển chọn cẩn thận để nuôi với chế độ rất khắt khe theo từng giai đoạn phát triển.
Khi gà tơ bắt đầu tập gáy, người nuôi phải tách riêng từng con lên các khu nuôi để tránh việc gà sung căng đánh nhau "phân đàn" sẽ dễ khiến gà "vỡ đòn" hoặc sinh tật lỗi.
Chuồng nuôi gà chọi phải thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, thức ăn, nước uống phải thay hàng ngày. Thời gian nuôi một con gà từ khi ấp nở đến khi vào chế độ "trực chiến" từ 9 - 10 tháng.
Mỗi con gà chọi trưởng thành được anh bán với giá từ 3-5 triệu đồng.
Để có một con gà chọi đạt tiêu chuẩn sẽ phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chế độ chăm sóc đảm bảo, độ bền tải, khung bệ tốt, chân vảy hợp cách....
Do đó, các cặp gà trống mái để gây dòng (dân trong nghề gọi là "gà đúc") được anh tuyển chọn từ nhiều năm từ các thế hệ trước để lại hoặc sưu tầm các nguồn giống mới để không bị thoái hóa.
Anh Cường cho biết, người ngoài nghề có thể không biết nhưng trên thực tế có những cặp "gà đúc" được bán giá từ vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu là bình thường.
Thậm chí nhiều con gà có giá hàng chục triệu đồng.
"Gà chọi càng theo đuổi càng khó hoàn thiện bởi yêu cầu của khách chơi gà ngày càng cao, tùy từng thời điểm mà người chơi sẽ "chuộng" đòn lối khác nhau. Vì thế để có những con gà chọi thiện chiến, đảm bảo về tông dòng, khung bệ thì phải không ngừng nâng cấp, cải thiện dòng giống mới đáp ứng được", anh Cường nói.
Từ những cặp gà chọi giống ban đầu được ông ngoại cho, anh Cường bắt đầu nhân nuôi, cải thiện và nâng cấp dòng gà cho riêng mình rồi bán ra thị trường và nhân nuôi số lượng lớn, cung cấp cho các trại gà chọi tại Hà Nội.
"Đam mê gà chọi như ngấm vào máu rồi nên không bỏ được. Ngày bé chỉ nuôi gà cho vui nhưng khi lớn lên, nuôi gà còn là đam mê và thậm chí dành cả tâm huyết cho gà nữa", anh Cường chia sẻ.
Mỗi năm anh Cường thu về hơn nửa tỷ đồng từ việc nuôi gà chọi.
Hiện tại, trại gà của anh Cường lúc nào cũng có khoảng 100 con gà chọi "trực chiến" cho khách tùy ý lựa chọn với giá bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/con.
Thậm chí, có những con gà chọi được khách mua với giá 10 - 15 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, trại gà chọi của gia đình anh Cường cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Cường cho biết sẽ tìm thêm mặt bằng để xây dựng, mở rộng quy mô của trang trại gà chọi chiến để tiếp tục theo đuổi đam mê và phát triển kinh tế của gia đình.
Nguồn: [Link nguồn]
“Có thời điểm cực kỳ khó khăn, không có khách, tôi và nhiều người phải đi nấu một số món ăn dân tộc mang ra thị trấn bán để kiếm tiền. Thế rồi, mọi thứ qua đi, may...