Khối lượng đường tồn kho khủng khiếp lên đến 750.000 tấn

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong nhiều nguyên nhân được đưa ra, có ý kiến cho rằng chiến dịch dẹp loạn vỉa hè cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng đường trong nước, khiến lượng đường tồn kho chưa bao giờ khủng khiếp như năm nay.

Chính xác, đó là một trong các nguyên nhân được ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn nêu ra tại Hội nghị Giải pháp tiêu thụ đường bền vững tổ chức tại TP.HCM, chiều 24.5.

Khối lượng đường tồn kho khủng khiếp lên đến 750.000 tấn - 1

Mía đường Việt Nam không bình thường khi lượng đường tồn kho chiếm hơn 1/2 lượng đường sản xuất do tiêu thụ chậm

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh chỉ còn 2 tháng nữa ngành mía đường bắt đầu niên vụ mới. Thế nhưng, theo đánh giá của ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam VSSA: “Đây là một niên vụ không bình thường khi tốc độ tiêu thụ chậm khiến lượng tồn kho khủng khiếp chưa từng có với hơn gần 750.000 tấn, chiếm gần 55% lượng đường sản xuất (hơn 1,3 triệu tấn)”.

Theo VSSA, có 4 nguyên nhân chính khiến lượng tồn kho lớn: Biến đổi khí hậu làm các nhà máy vào vụ chậm, khi vào vụ lại sản xuất không liên tục nên sản lượng bị dồn đến cuối vụ.

Thứ hai, lượng đường đấu thầu theo hạn ngạch về Việt Nam chậm. Thứ 3, giá đường trong nước và đường nhập lậu vẫn chênh lệch làm kích thích đường lậu nhập vào Việt Nam. Cuối cùng và quan trọng nhất là tình trạng buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp trên cả nước.

Theo đại diện công ty mía đường Thành Thành Công, con số đường nhập lậu riêng từ Thái vào Việt Nam là hơn 380.000 tấn. Còn theo ông Lê Trung Thành, tổng lượng đường nhập lậu thực tế có thể hơn 500.000 tấn vì chưa tính được lượng thẩm lậu từ Lào, Campuchia.

“Nhu cầu dùng đường ở các nhà máy chế biến trong nước giảm đáng kể do sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát từ nước ngoài vào Việt Nam tăng. Trong nước, chiến dịch dẹp vỉa hè cũng làm giảm nhu cầu từ khách hàng, góp phần làm tăng lượng tồn kho”- ông Thành bổ sung.

Khối lượng đường tồn kho khủng khiếp lên đến 750.000 tấn - 2

Quang cảnh hội nghị

Góp mặt tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng tương lai của ngành mía đường đang đe dọa một cách nghiêm trọng khi hàng loạt mặt hàng nông sản chực chờ bên bờ vực giải cứu.

“Những kiến nghị của VSSA sẽ được tiếp tục bàn thảo với các bộ ngành liên quan để tìm ra giải pháp bền vững. Nhưng nếu các thành viên VSSA không chủ động đề ra giải pháp để đoàn kết ứng phó, có thể năm sau sẽ tới lượt mía đường”, ông Nam nói.

Ngoài 11 giải pháp được VSSA đưa ra trong đó nhấn mạnh khâu phòng chống buôn lậu, ông Doanh còn bổ sung thêm giải pháp thứ 12 đề nghị Bộ công thương và Bộ NNPTNT tạm thời chậm tổ chức đấu giá đường theo hạn ngạch sang quý 3, 4 năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Vỹ (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN