Khóc vì đào nở sớm

Sau khi có dự án xóa bỏ cây thuốc phiện, đồng bào vùng rẻo cao thuộc xã Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã chuyển sang trồng đào và mận tam hoa từ chục năm nay. Cây đào là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ gia đình nơi đây, nhưng năm nay do nở sớm nên bà con có nguy cơ bị mất trắng vụ đào này.

Khóc vì đào nở sớm - 1

Đồng bào Mông ở Kỳ Sơn đang lo lắng vì đào nở sớm.

Mường Lống được xem là thủ phủ của đồng bào Mông; đồng thời cũng được xem là thủ phủ của loài cây thuốc phiện một thời. Nay cây thuốc phiện không còn, thay vào đó là bạt ngàn mận tam hoa và đào đá. Đây là loại đào đặc thù riêng của vùng biên giới giáp nước bạn Lào ở khu vực Kỳ Sơn. Đào không những có sức sống khỏe, hợp với đất rừng vùng có khí hậu lạnh mà hoa đào còn có màu hồng trắng rất đẹp và được người dân khắp nơi ưa chuộng.

Chị Vờ Y Zềnh, một người dân địa phương than thở: Năm nay gia đình trồng hơn 2 sào giống đào đá và đào Mỹ cho hoa rất đẹp, nhưng do thời tiết khắc nghiệt nên đào đã nở xòe cách đây hơn nửa tháng. Năm nào được mùa và đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán, gia đình chị thu nhập gần cả trăm triệu đồng tiền bán đào. Nhưng năm nay hoa nở sớm một cách bất thường, nhà chị có nguy cơ mất trắng vụ. Không riêng gì gia đình chị Zềnh, riêng bản Mường Lống 1 và Mường Lống 2 nằm ở trung tâm của xã còn có hàng trăm hộ dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Một cán bộ xã Mường Lống cho biết, do tập quán của đồng bào vùng sâu vùng xa không biết kỹ thuật chăm sóc, kèm theo khí hậu khắc nghiệt nên bà con chỉ biết đứng bất lực chứng kiến hoa đua nhau nở sớm. Được biết, ngoài hai bản trung tâm, rải rác các bản làng khác của Mường Lống đi qua xã Huồi Tụ, Phà Đánh, Đoọc Mạy... có rất nhiều hộ dân trồng đào đá. Nhà nhiều thì cả sào, với hàng trăm gốc, còn rải rác trong các vườn nhà dân ít mỗi gia đình đều có từ 1 đến 2 gốc đào. Ban đầu bà con trồng đào chủ yếu là để chơi tết, nhưng càng về sau thấy cây đào cho kinh tế cao nên bà con khắp nơi trồng đào để bán.

Đào nở sớm không những làm nông dân điêu đứng mà giới thương lái cũng khóc ròng. Hằng năm bắt đầu từ đầu tháng chạp trở đi, nhiều “nậu” ở miền xuôi tìm về vùng đất này, vào tận vườn các hộ gia đình xem đào, rồi đặt cọc tiền trước cho chủ nhà để mua. Khoảng ngoài 20 tháng chạp, các nậu mới cho xe tải nhỏ vào tận nơi cưa gốc và chở về xuôi để bán với giá rất cao.

Biết buôn đào đá cho lợi nhuận cao nên không ít cán bộ, giáo viên địa phương tết đến cũng biết tranh thủ đi săn đào đá để đem về xuôi bán kiếm lời. Thầy giáo Nguyễn Linh Đàn, giáo viên của một trường Tiểu học ở Kỳ Sơn cho biết: Hàng năm cứ đến dịp tết, vợ chồng thầy Đàn đều vào các vùng Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Mỹ Lý... để tìm mua đào đá tận gốc, sau đó thuê xe chở về xuôi. Thầy Đàn tiết lộ, có những gốc đào đưa về xuôi bán lời trên cả chục triệu đồng, nếu đào nở đúng dịp tết. Vì khi mua của dân được bán theo gốc, về xuôi chia theo cành để bán. Còn năm nay, tình trạng đào nở sớm và bất thường hơn mọi năm nên áp tết chưa chắc đã có đào để mang về xuôi.

Ông Và Chá Xà, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Để thay thế cây thuốc phiện, xã Mường Lống đã hướng dẫn bà con trồng hàng chục hécta mận tam hoa và cây đào. Cả hai loại giống cây này đều phát triển tốt, hợp với vùng đất khắc nghiệt như xã vùng cao Mường Lống. Tuy nhiên, đến nay mận tam hoa đã bị bà con chặt bỏ gần hết, vì thu hoạch xong không có ai mua. Bà con tập trung vào cây đào, chủ yếu giống đào đá và giống đào nhập từ Mỹ về. Năm nay, đào nở sớm chắc chắn nhiều hộ gia đình mất tết.

Nếu vào dịp đúng vụ, chỉ cần leo lên đỉnh Cổng Trời (cửa ngỏ vào Mường Lống, có độ cao gần 1.600m so với mực nước biển) nhìn xuống thủ phủ người Mông này thấy rực màu trắng của mận tam hoa và màu hồng trắng của hoa đào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Sáng (Tiền phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN