Khổ vì mủ cao su rớt giá

Từng được xem là “vàng trắng” nhưng gần một năm nay, giá mủ cao su tuột dốc xuống quá thấp khiến các doanh nghiệp và người dân chuyên canh cao su lo mất ngủ mất ăn.

Giá mủ xuống thấp, đầu ra ế ẩm khiến nhiều doanh nghiệp cao su trên địa bàn Tây Nguyên tồn kho cả nghìn tấn mủ. Hàng nghìn hộ trồng cao su tiểu điền lo âu không biết phải sống bằng gì .
 
Bà Bùi Thị Vân ở xã Cư M’lan, huyện Ea Súp ( Đăk Lăk) có 4 ha cao su 12 năm tuổi, là giai đoạn cao su trưởng thành cho mủ nhiều năng suất cao, nhưng bà cũng không vui nổi: “Đã từng có lúc giá mủ tươi lên tới 25 nghìn đồng/ký, nhiều gia đình giàu lên trông thấy. Nhưng gần một năm nay, giá mủ tươi bán tại vườn liên tục giảm, hiện còn có 8 đến 9 nghìn đồng mỗi ký, chỉ đủ trang trải chi phí chăm sóc, khai thác chứ không còn tí lãi nào” – bà Vân kể.

Khổ vì mủ cao su rớt giá - 1

Công nhân cạo mủ cao su.

Nhưng bà Vân còn may là đã có cao su cho mủ, hơn biết bao gia đình khác lỡ xuống giống cao su mới được mấy năm. Anh Hoàng Văn Vân ở huyện Ea H’leo cho biết: Đầu năm 2012, thấy giá cao su lên cao anh vay 500 triệu đồng trồng mới 5 ha. Trước tình hình mủ cao su tuột dốc, anh ngao ngán: Bỏ ra cả đống tiền mà chờ sáu, bảy năm sau thu hoạch, nếu giá cả vẫn thế này thì may lắm chỉ đủ trả công cho người cạo mủ, mua phân bón và chi phí vận chuyển, chả biết khi nào mới trả nổi cả vốn lẫn lãi khoản tiền lỡ vay để đầu tư !

Qua rồi thời lãi khủng

Không chỉ các nông hộ mà các doanh nghiệp trồng cao su ở Đăk Lăk cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá thành mủ cao su giảm mạnh. Bà Lê Thị Bích Thảo, Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk cho biết: Giá mủ sơ chế hiện chỉ còn 43 triệu đồng/tấn, giảm tới 38% so với mức đỉnh điểm của cách đây hơn 1 năm. Vì thế, tổng doanh thu của Cty giảm mạnh. Năm 2012 tổng doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng chủ yếu là bán mủ sơ chế, nhưng 6 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt hơn 281 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
“Doanh số xuất khẩu giảm mạnh, lượng hàng tồn kho ngày càng nhiều đang là tình cảnh chung của các doanh nghiệp cao su trên địa bàn Tây Nguyên. Bây giờ trước mắt công ty chúng tôi phải cắt giảm mọi khoản chi phí, tiền thưởng, chỉ ráng trả đủ lương cho cán bộ công nhân để họ duy trì cuộc sống” - bà Thảo chia sẻ.
 
5 tỉnh Tây Nguyên đã trồng hơn 220.000 ha cao su. Riêng tỉnh Đăk Lăk có gần 37.000 ha cao su đang giai đoạn khai thác, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 20%. Hiện các Cty cao su giảm lãi nghiêm trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vạn Tiếp (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN