Khó truy xuất nguồn gốc nông sản tại chợ đầu mối
“Một lượng không nhỏ hàng hóa kinh doanh tại chợ được các hộ dân tự sản xuất và mang đến chợ kinh doanh, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc…”
Tại hội thảo quốc tế về phát triển mô hình chợ đầu mối nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 25/9, ông Nguyễn Văn Hội – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến cuối năm 2016, cả nước có 8.513 chợ, chợ nông thôn chiếm 76%, chợ thành thị chiếm 24%.
Trong đó có 94 chợ đầu mối bán buôn trên địa bàn cả nước (chiếm 1,1%), nhiều nhất ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các mặt hàng được bày bán trong chợ rất đa dạng, phần lớn là các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, rau củ quả tươi được bán tại các chợ.
“Tuy nhiên, hầu hết đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đặc biệt là các mặt hàng rau, quả, gia súc, gia cầm. Chủ yếu các thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc từ các trang trại. Việc mua bán còn mang tính chất cổ điển không có hợp đồng mua bán cũng không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước đánh giá.
Ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, hiện nay Hà Nội có 2 chợ đầu mối là chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai và 6 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối. Nhưng các chợ có quy mô nhỏ, quá tải, cùng với đó, việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ còn nhiều bất cập. Một lượng không nhỏ hàng hóa kinh doanh tại chợ được các hộ dân tự sản xuất và mang đến chợ kinh doanh, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc…
Theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến 2020, định hướng 2030, Thành phố sẽ có 8 chợ đầu mối. Trong đó đã có 2 chợ đầu mối đang hoạt động, và dự kiến phát triển thêm 6 chợ đầu mối nông sản cấp vùng, diện tích từ 20- 30ha/chợ.
Tuy nhiên thời gian qua, Thành phố chưa kêu gọi được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng phát triển chợ. Đồng thời do yêu cầu về nguồn vốn đầu tư lớn nên Thành phố chưa bố trí được kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ đầu mối.
Đại diện công ty CP rau an toàn Hà Nội cũng chia sẻ, hoạt động buôn bán, tiêu thụ tại các chợ này bị thương lái chi phối về giá cả cũng như nguồn cung.Việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ gần như bỏ ngỏ. Rau an toàn đang bị đánh đồng với sản phẩm không an toàn khiến việc tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm càng trở nên khó khăn. Các cơ quan ban ngành chưa phát huy vai trò của mình trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối.
Ông Florian de Saint Vincent- – Giám đốc các dự án quốc tế Công ty Rungis International chỉ ra thách thức lớn đối với chợ đầu mối ở Việt Nam đó là việc sử dụng các đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, nhập khẩu bất hợp pháp hoặc quản ký kém, thiếu khả năng truy nguyên và nhiễm chéo cũng là những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng thách thức lớn nhất là thay đổi việc sản xuất của một số lượng lớn các nhà sản xuất nhỏ. An toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn đối với công chúng, với mức độ lo lắng cao mỗi lần có một sự cố an toàn thực phẩm cao.
Để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm chợ đầu mối, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần tăng cường phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với các chuỗi bán lẻ lớn, đảm bảo cân đối cung cầu, có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá thành và giá bán các sản phẩm nông sản, giảm chi phí trung gian.
Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm; Bộ NN&PTNT sớm ban hành hướng dẫn quy trình, thủ tục truy xuất nguồn gốc và xử lý nông sản, thủy sản, thực phẩm không đạt chuẩn kinh doanh tại chợ đầu mối để các địa phương và chủ đầu tư nghiên cứu thực hiện.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn để các tỉnh, thành phố trong cả nước có vị trí giới thiệu đặc sản vùng miền, nông sản an toàn của địa phương tại Hà Nội, từng bước hình thành chợ đấu giá, phân phối hàng hóa nông sản.
Bên cạnh đó, cần ban hành quy định và giải pháp cụ thể tiến tới kiểm soát chất lượng, thống kê đầu vào ra, truy xuất được nguồn gốc nông sản thực phẩm an toàn.