Khó triệt phân bón giả
Mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón nhưng việc quản lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn quá lỏng lẻo nên hàng giả, kém chất lượng vẫn tràn lan
Tại hội nghị “Tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón” do Cục QLTT - Bộ Công Thương phối hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 13-6, nhiều đại biểu cho rằng việc kiểm tra phân bón đã gặp nhiều khó khăn nhưng xử lý vi phạm lại càng khó khăn hơn.
Nông dân không được lựa chọn
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Phòng Quản lý tiền chất (Cục Hóa chất - Bộ Công Thương), cho biết: “Mỗi năm, nhu cầu phân bón của 10 triệu hộ nông dân trên cả nước khoảng 11 triệu tấn nhưng trong nước chỉ sản xuất được 9 triệu tấn, còn lại là nhập khẩu”.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT, trung bình mỗi năm, lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý trên 3.000 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng..., thu giữ gần 1.000 tấn.
Đại diện Hiệp hội Phân bón cho biết cả nước có 800 cơ sở sản xuất, hơn 1.600 công ty và 20.000 đại lý kinh doanh phân bón. Còn theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có 320 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón, trong đó 270 DN đã được cấp phép. “So với con số mà Hiệp hội Phân bón đưa ra, nếu theo quy định của Bộ Công Thương, còn khoảng 500 cơ sở nhỏ lẻ không đủ điều kiện sản xuất. Trong 800 cơ sở nêu trên, chủ yếu sản xuất bằng công nghệ đơn giản như dùng máy trộn bê tông, chảo tạo viên, máy sàn phân loại... Trong các DN sản xuất phân bón mà Bộ Công Thương khảo sát, chỉ khoảng 10% đầu tư công nghệ tiên tiến, như tạo hạt bằng hơi nước, urê hóa lỏng...” - ông Thanh đánh giá.
Nông dân quá phụ thuộc hệ thống cung ứng trong việc sử dụng phân bón Ảnh: Ngọc Trinh
Tại hội nghị, có ý kiến cho rằng hiện nay ở một số nước lân cận, chuỗi cung ứng phân bón xuất phát từ nhu cầu của nông dân, trong khi ở nước ta, nhà sản xuất hoặc đại lý bán loại nào thì nhà nông dùng loại đó do đa số phải mua thiếu nên không có quyền lựa chọn. Khi xảy ra sự cố, nông dân cam chịu, ít trường hợp phản hồi với nhà sản xuất, cơ quan quản lý. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Lực lượng mỏng, khó kiểm tra
Ông Lê Trung Giang, Chi cục QLTT TP Cần Thơ, phản ánh: “Đối tượng làm phân bón giả, kém chất lượng không tập trung quy mô lớn như trước mà chuyển sang hoạt động nhỏ lẻ, dùng cuốc, xẻng để pha trộn. Họ hoạt động vào ban đêm, những ngày cuối tuần và không để hàng tồn kho nhằm trốn tránh lực lượng chức năng”.
Trong khi đó, theo nhìn nhận của các cơ quan chức năng, việc kiểm tra, xử lý đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón gặp nhiều khó khăn, như lực lượng QLTT địa phương còn mỏng, thiếu người có kinh nghiệm và phương tiện kiểm tra. Để xác định chất lượng, phải gửi mẫu đi xét nghiệm, mất nhiều thời gian mới có kết quả. Một số DN bị phát hiện nhiều lần kinh doanh, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, nhìn nhận lực lượng QLTT của tỉnh đông nhưng khi phân bổ ra từng địa bàn thì một đội chỉ 6-7 người. Trong khi hoạt động làm phân bón giá, kém chất lượng thường ở những nơi vắng, trong vườn cao su nên rất khó phát hiện.
Ông Danh cho biết vừa rồi, lực lượng QLTT tỉnh phát hiện một cơ sở tại địa phương làm 30 tấn phân bón với bao bì, nhãn mác của Mỹ. Cơ quan QLTT chuyển vụ sai phạm này sang cơ quan công an khởi tố. Sau khi xử sơ thẩm, tòa phúc thẩm lại bác và yêu cầu bổ sung hàng loạt chứng cứ. Do không thể đáp ứng yêu cầu của tòa nên vụ án này không xử được. “Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7 với nhiều đổi mới, trong đó có quy định xử lý tất cả hành vi sản xuất hàng gian, hàng giả. Như vậy, sắp tới việc xử lý phân bón giả, kém chất lượng mới có thể dễ dàng hơn” - ông Danh nói.
Bất cập trong xử lý Đại diện Chi cục QLTT tỉnh An Giang nêu nghịch lý là trong khi mức xử phạt đối với trường hợp sản xuất phân bón giả từ 1-200 triệu đồng, mức xử phạt hành vi làm phân bón kém chất lượng lại từ 80-180 triệu đồng. Như vậy, mức độ răn đe đối với hành vi làm hàng giả thấp hơn làm hàng kém chất lượng. Ngoài ra, việc không quy định chế tài đối với hành vi kinh doanh phân bón kém chất lượng cũng gây khó khăn cho cơ quan QLTT trong việc xử lý trách nhiệm liên đới đối với các cơ sở kinh doanh phân bón. |