Khổ như nuôi lợn: Mở mắt ra là lỗ, nhiều người phải bỏ làng trốn nợ
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và duy trì trong thời gian dài đang khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Nhiều hộ chăn nuôi đứng trước nguy cơ vỡ nợ, mất cả sổ đỏ vì mở mắt ra là lỗ...
Mất sổ đỏ vì nuôi lợn
Gần 20 năm trong nghề chăn nuôi lợn, ông Lê Minh Hiền (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã trải qua bao thăng trầm nhưng chưa có lúc nào ông cảm thấy bấp bênh, hoang mang như giai đoạn này.
Dịch tả lợn châu Phi năm 2019 càn quét qua khiến gia đình ông mất hết. Sau dịch ông vét hết vốn liếng hơn 600 triệu đồng để đầu tư làm chuồng khép kín, với hi vọng không có con virus nào có thể xâm nhập vào. Thế nhưng, khi dịch bệnh chưa kịp qua, cơn bão giá thức ăn chăn nuôi lại ập đến khiến ông dường như sắp ngã quỵ.
Ông Hiền tính toán, để nuôi một con lợn từ nhỏ đến lúc xuất chuồng (khoảng 1 tạ), bình quân hết khoảng 10 bao cám loại 25 kg. Trước đây, giá cám chỉ khoảng 250.000 đồng/bao, nhưng hai năm qua đã tăng đến hơn 350.000 đồng/bao.
Ông Lê Minh Hiền cho biết, giá cám tăng cao khiến người chăn nuôi đang kiệt sức, lỗ nặng.
Riêng tiền cám giờ hết khoảng 3,5 triệu đồng, con giống khoảng 1,5 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước, thú y… Trong khi với giá lợn hơi hiện nay, một con lợn xuất chuồng chỉ khoảng 4,8 triệu đồng.
“Tính ra bình quân, người nuôi lỗ từ 500.000 - 1.000.000 đồng mỗi con lợn. Có thời điểm chúng tôi bán hàng trăm con, lỗ cả hàng trăm triệu đồng. Với đàn lợn còn khoảng 200 con ở tuổi xuất chuồng, giờ càng nuôi càng lỗ chỏng vó”, ông Hiền nói.
Sức tàn phá của "cơn bão" giá thức ăn chăn nuôi với người dân tại xã trọng điểm nuôi lợn còn ghê gớm hơn. Ông Lý Văn Tĩnh (xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, Hưng Yên) là một trong số đó.
Với gần 1.000 con lợn thịt, gia đình ông Tĩnh đã phải bán hơn 200 m2 đất thổ cư mới có tiền bù lỗ, trả nợ tiền cám. Khiếp vía với cảnh càng nuôi càng lỗ, hiện giờ ông Tĩnh đã “treo” chuồng để đi làm thuê ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng.
Trại lợn của gia đình ông Tĩnh đầu tư hàng trăm triệu đồng phải bỏ trống vì không chịu được nhiệt cơn bão giá thức ăn chăn nuôi.
Cùng xã Liên Nghĩa, ông Lý Văn Dũng dù chỉ nuôi thường xuyên 200 con lợn cũng phải vay ngân hàng 700 triệu đồng, nợ đại lý cám chăn nuôi gần 100 triệu đồng. Giờ càng nuôi càng lỗ nặng, trở thành "con nợ" của các đại lý.
Ông Hoàng Ngọc Hiếu - cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y xã Liên Nghĩa - cho biết, cách nay 5 năm toàn xã Liên Nghĩa có 96 hộ, trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn đạt gần 8.000 con. Do chăn nuôi thua lỗ kéo dài, tới đầu tháng 3 năm nay tổng đàn lợn của xã đã giảm xuống chỉ còn 3.450 con tại 19 hộ chăn nuôi còn bám trụ.
Theo ông Hiếu, hiện giá thành sản xuất 1 kg lợn hơi vào khoảng 57.000 đồng, trong khi giá bán chỉ 49.000 đồng/kg, người dân chỉ lo tiền lãi suất ngân hàng đã đủ ốm.
"Hàng loạt hộ nuôi lợn không chịu được nhiệt phải bỏ nghề chuyển việc khác như công nhân, thợ xây, thợ hồ… Có người thậm chí vỡ nợ, mất cả sổ đỏ phải bỏ làng đi nơi khác", ông Hiếu nói.
Liên tục lỗ, khiếp vía vì chăn nuôi
Không riêng gì chăn nuôi lợn mà những hộ chăn nuôi gà, vịt… cũng đang rơi và tình trạng ngoắc ngoải vì "bão giá" thức ăn chăn nuôi.
Bà Trương Thị Tắc (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, gia đình bà năm nào cũng nuôi khoảng 1.000 con gà. Nhưng năm nay, số đàn gà tăng lên gấp 2 vào thời điểm giá cám tăng vọt khiến gia đình như ngồi trên đống lửa.
Theo tính toán của bà Tắc, trung bình một ngày đàn gà tốn hết 5 bao cám gần 1,3 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước. Tuy nhiên, số trứng cả đàn thu được chỉ khoảng 600 trứng, với giá trứng giảm mạnh còn 1.600 - 1.700 đồng/quả. “Cả ngày làm cật lực từ sáng đến tối lỗ mất hơn 500.000 - 600.000 đồng. Giờ trên 60 tuổi, lỗ thế này, tôi không biết dựa vào đâu", bà Tắc nói.
Gia đình bà Trương Thị Tắc thấp thỏm vì mỗi ngày trôi qua đều lỗ chỏng vó.
Ông Phạm Văn Đại (xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nuôi gần 2.000 con gà thịt. Giá cám chiếm hơn 2/3 chi phí... trong khi giá thịt gà giảm mạnh.
"Nuôi gà giờ chỉ trông chờ vào dịp Tết mà đợt Tết vừa rồi ế ấm chưa từng có. Trước trong xã, nhiều hộ chăn nuôi lắm. Nhưng giờ bỏ hết. Cả khối người mất bìa đỏ, vỡ nợ. Thậm chí, nhiều hộ mất nhưng không dám kêu vì sợ ngân hàng siết", ông Đại nói.
Ông Phạm Văn Đại cho biết, nhiều người trong xã Tân Phú đang vỡ nợ, mất sổ đỏ vì chăn nuôi.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Hoàng Lân - Trưởng phòng chăn nuôi - thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, hiện đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 500.000 con. Thời gian qua, giá thức ăn chóng mặt khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng nề.
Theo ông Lân, trước đây, giá thức ăn chăn nuôi chiếm 70% trong cơ cấu giá thành, nhưng hiện chiếm tới 85-87%. “Với giá thức ăn như thế, nhiều người dân đang mất trắng. Nhiều hộ giờ không còn vốn nữa để duy trì, lỗ 1 lứa còn được chứ lỗ 3 - 4 lứa liên tục, không ai chịu được”, ông Lân nói.
Theo ông Lân, giải pháp cấp bách lúc này cần phải giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đậu tương để giúp hạ giá thức ăn chăn nuôi; đồng thời vận động tuyên truyền người dân chăn nuôi để tránh dịch bệnh bùng phát.
“Thời gian tới, Nhà nước cần hạn chế nhập khẩu thịt lợn, bởi giá thịt nhập rất rẻ khiến thịt trong nước không thể cạnh tranh được. Đồng thời, ngành chăn nuôi cần xây dựng các vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, hướng đến xuất khẩu, tháo gỡ đầu ra cho lợn”, ông Lân khuyến nghị.
Dù vào chính vụ, số lượng thu hoạch được nhiều nhất thì loại rau ngót này vẫn không đủ hàng để bán cho khách.
Nguồn: [Link nguồn]