Khi chủ lò gạch đi... làm thuê

Giá nguyên liệu sản xuất gạch tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn khiến hơn 70% lò gạch ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long) - nơi được mệnh danh là “vương quốc” gạch xây dựng ở ĐBSCL - phải ngừng hoạt động.

Nhiều chủ lò gạch phải đóng cửa lò đi làm thuê và hàng ngàn người lao động thất nghiệp.

Hiu hắt làng nghề

Cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi đến “vương quốc” gạch nằm dọc sông Cái Nhum, kênh Thầy Cai. Cả trăm lò gạch lạnh tanh vì đã nghỉ từ lâu. Gạch chất đầy sân chưa bán được. Dưới sông vắng tanh, thỉnh thoảng mới thấy một ghe gạch hay ghe chở trấu (dùng để đốt lò nung gạch) chạy qua. “Trước đây làng nghề này nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, ghe chạy ầm ầm, còn bây giờ vắng đến phát sợ luôn” - một công nhân thất nghiệp nằm đong đưa trên võng thở dài nói.

Chị Phạm Thị Đẹp cho biết gia đình chị có ba miệng lò nhưng ba tháng nay chỉ duy trì một lò và do khan hiếm đất sét làm gạch nên cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Chị Đẹp cho biết một mẻ gạch nung xong bán hết chỉ lãi chừng 2 triệu đồng, nhưng muốn bán cũng không dễ vì thị trường đóng băng. Hiện tại lò gạch của chị còn tồn đọng hơn 50.000 viên gạch chưa bán được.

Tương tự, bốn miệng lò của ông Trần Hoàng Tuấn hiện đã ngưng hết ba. Ông Tuấn nói đây là tình trạng chung của vùng này từ đầu năm đến nay. Nhiều chủ lò chỉ hoạt động cầm chừng để giữ nhân công. Số còn lại đóng cửa lò đi làm công nhân cho các lò gạch khác.

Khi chủ lò gạch đi... làm thuê - 1

Chị Thảo ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) phải đi khiêng gạch mướn vì lò gạch chị làm trước đó đã đóng cửa.

Hiện nay giá các loại nguyên liệu sản xuất gạch đều tăng cao nên người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Nếu trước đây một ghe trấu khoảng 200 gánh có giá khoảng 2 triệu đồng thì nay tăng lên đến 5 triệu đồng. Còn đất sét ngày càng khan hiếm, các lò gạch thường phải đợi cả tuần mới có đất để làm gạch.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề gạch, ông Tuấn cho biết đây là lần người làm gạch gặp khó khăn nhất. Ai huề vốn coi như “trúng số”, đa số đều bị lỗ. Ông Tuấn kể em vợ ông cũng đã đóng cửa lò từ bốn tháng nay để đi làm công nhân tận Bình Dương...

Cặp tuyến kênh Thầy Cai hiện có hơn 50% miệng lò đã ngưng hoạt động. Anh Nguyễn Phát Huy nói: “Tui nghỉ cả tháng nay rồi. Bây giờ lỗ cũng phải bán cho hết 50.000 viên gạch này để gỡ gạc chút đỉnh, sau đó sẽ tìm việc khác kiếm sống”. Còn chị Nguyễn Thị Tuyết (ở xã An Phước, huyện Mang Thít) mướn đất làm lò gạch hơn 10 năm, ban đầu có lãi chút đỉnh, còn bây giờ trắng tay quay về quê đi làm mướn. Chồng chị đi làm thợ hồ khắp nơi.

Ông Võ Hoàng Tuấn, đội tuyên truyền Chi cục Thuế huyện Mang Thít, cho biết toàn huyện có 1.010 hộ kinh doanh nghề gạch xây dựng với gần 2.000 miệng lò. Hiện đã có 732 hộ xin ngừng hoạt động gần 1.500 miệng lò.

Mỏi mòn chờ việc

Buổi sáng trên con đường dẫn đến làng nghề xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít có hàng chục chiếc xe đạp nối đuôi nhau chạy về các lò đang nghi ngút khói. Đó là công nhân làng gạch may mắn còn được chủ lò giữ lại làm việc. Chị Lê Thị Ngọc Bích, công nhân làm gạch ở xã Nhơn Phú, nói: “Hồi trước việc làm không hết còn bây giờ một ngày làm ba ngày nghỉ. Tháng trước nghỉ cả 10 ngày, tôi phải vay mượn tiền để xoay xở”.

Không chỉ nhân công làm trong lò gạch mà ngay cả những người gánh trấu, khiêng gạch cũng lao đao vì không tìm được việc làm. Sáng sớm, cả trăm người tụ tập tại “chợ” lao động tự phát ở xã Nhơn Phú để chờ ghe đến rước đi làm. Gần đây, số người đến “chợ” này càng ít vì phần lớn ngồi tới trưa rồi về chứ không có ai thuê mướn.

Chị Trần Hồng Thảo làm nghề khiêng gạch gần 10 năm nay. Mỗi sáng chị cùng chồng ra chợ Nhơn Phú chờ việc. Sáng 27-8, chị ngồi chờ ở góc chợ gần hai giờ mới có ghe gọi xuống chỗ làm. “Có việc là may lắm rồi, nhiều bữa ngồi đã rồi phải đạp xe về” - chị Thảo tâm sự. Còn anh Nguyễn Trí Dũng (quê ở Bến Tre) qua Vĩnh Long làm nghề gánh trấu thuê từ ghe lên lò gạch. Trước đây có tháng anh thu nhập tới 6 triệu đồng thì nay chỉ còn 2-3 triệu đồng...

Ông Đặng Ngọc Thảo, phó chủ tịch UBND xã Nhơn Phú, cho biết toàn xã có 553 cơ sở với 1.087 miệng lò giải quyết công việc cho gần 4.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận. Thế nhưng từ năm 2009 đến nay, làng nghề sản xuất gạch ngói ở Nhơn Phú liên tục rơi vào khó khăn nên số lò ngừng hoạt động tăng lên. 30% số hộ ở nơi khác đến thuê đất xây lò nay đã dỡ bỏ rút đi. Rất nhiều người làm công ở lò gạch mất việc phải bỏ xứ đi nơi khác tìm việc, chủ yếu là đi các tỉnh miền Đông Nam bộ làm công nhân.

Chưa đủ sức chuyển sang lò gạch công nghệ cao

Ông Nguyễn Văn Nghiệm, phó chủ tịch UBND huyện Mang Thít, cho biết làng nghề sản xuất gạch ở đây hoạt động chủ yếu theo kiểu tự phát, chưa có quy hoạch nên khi gặp khó khăn nhiều người vội vàng “bỏ của chạy lấy người”.

Theo ông Nghiệm, trước tình trạng nhiều người không có việc làm, phải bỏ đi nơi khác kiếm sống, huyện đã chỉ đạo trung tâm dạy nghề liên tục mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề để giúp người dân có việc làm. “Chúng tôi từng nghĩ đến giải pháp chuyển đổi từ lò gạch truyền thống sang kiểu hiện đại như những địa phương khác nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ở Vĩnh Long, hiện nay chưa có mô hình cụ thể để học theo, đồng thời các chủ lò gạch cũng chưa đủ thực lực để chuyển từ lò gạch thủ công sang lò gạch công nghệ cao” - ông Nghiệm nói.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hằng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN