Khan hiếm xăng dầu vì doanh nghiệp cạn tiền?

Nhiều thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu cho biết họ không có tiền để nhập hàng bán, không phải do nguồn cung khan hiếm hay găm hàng...

Đứt nguồn cung vẫn tái diễn

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày qua, tình trạng đứt nguồn cung xăng dầu không chỉ diễn ra ở một số tỉnh miền Nam, mà còn xuất hiện ở nhiều điểm trên địa bàn TP Hà Nội, nơi được đánh giá là nguồn cung sẽ ít biến động.

Một thương nhân phân phối xác nhận, tình trạng một số cây xăng của doanh nghiệp tư nhân ở các quận: Hà Đông, Tây Hồ, Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Gia Lâm... thông báo “hết xăng” hoặc bán hạn chế số lượng (ô tô được đổ 200-500 nghìn đồng/xe; xe máy 50 nghìn đồng/xe) đã xảy ra. Sau khi giá tăng lên sau phiên điều hành ngày 1/11, tình trạng cũng không khá hơn.

Nguyên nhân được hầu hết các thương nhân cho biết là do việc nhập hàng rất khó khăn. Ngay cả những đối tác lấy hàng thường xuyên và lâu năm cũng báo khan hàng.

Một cây xăng trên đường Lương Thế Vinh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) căng dây, thông báo hết hàng trong ngày 31/10 Ảnh: Tạ Hải

Một cây xăng trên đường Lương Thế Vinh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) căng dây, thông báo hết hàng trong ngày 31/10 Ảnh: Tạ Hải

Ghi nhận của PV tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang ngày 1/11 cho thấy, đoàn xe bồn xếp hàng dài đợi đến lượt nhập hàng. Một nhân viên kho xăng dầu chia sẻ, lý do khan hàng là từ đầu nguồn, nếu tổng kho còn hàng sẽ cấp theo lịch cho các đơn vị chứ không chậm trễ.

Nguyên nhân dẫn đến đứt nguồn cung trên địa bàn Hà Nội cũng được Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, qua kiểm tra cho thấy, không có tình trạng găm hàng, đa phần là do nguồn cung nên doanh nghiệp không còn xăng để bán cho người tiêu dùng.

Tại TP.HCM, Sở Công thương cho biết, ngoài 108 cửa hàng (chiếm 20%) thiếu xăng (tính đến 12h ngày 1/11), có 4 cửa hàng đang xin ngưng để sửa chữa hoặc làm thủ tục đóng cửa. Khu vực ngoại thành đang gặp khó khăn hơn.

Đây là nơi nhiều hệ thống bán lẻ không kinh doanh theo chuỗi mà theo hộ gia đình, doanh nghiệp cắt khúc nên tình hình căng thẳng hơn.

Tương tự là các địa phương khác như: Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre…

Qua giám sát của lực lượng chức năng, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã đặt hàng với các thương nhân cung ứng nhưng chưa được cấp hàng, không có tình trạng găm hàng chờ nâng giá, trục lợi.

Giảm sản lượng để xoay vốn

Tìm hiểu từ phía các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhiều đơn vị cho biết, họ đang rất khó khăn về nguồn tiền để nhập hàng.

Ông Trương Anh Kiệt - chủ một số cây xăng dầu ở An Giang khẳng định, việc lỗ liên tục đã khiến doanh nghiệp cạn vốn, thậm chí “chỗ nào vay được cũng đã vay hết rồi”.

Từ đầu năm đến nay, mỗi cây xăng lỗ trung bình mỗi tháng khoảng 20-200 triệu đồng, tùy sản lượng bán. Ước lượng, đến thời điểm này, trung bình mỗi cây xăng sẽ lỗ từ 200 triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Về hệ thống xăng dầu, cần bãi bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối. Bởi, quy định này luôn xảy ra tình trạng không thương nhân đầu mối nào chủ động được lượng hàng. Nên quy định một thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của 2 thương nhân đầu mối và phải đăng ký, cam kết số lượng mua.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa

“Thời điểm này ngân hàng đều nắm được việc kinh doanh xăng dầu thua lỗ nên họ dè chừng. Để có tiền nhập hàng tôi đã phải vay lãi ngày. Vì thế, lượng hàng phải nhập ít đi. Dù vậy, nhiều thời điểm thương nhân cung ứng xăng dầu cũng không có hàng cấp. Giờ mua hàng còn hơn ăn xin”, ông Kiệt than thở.

Không chỉ trường hợp của ông Kiệt, nhiều cửa hàng khác cũng cho biết, họ giảm sản lượng nhập vì thiếu tiền.

Điều đáng nói, khó khăn này hiện hữu ngay ở đơn vị cấp phát nguồn (doanh nghiệp đầu mối, phân phối).

Một doanh nghiệp đầu mối lớn tại TP.HCM cho Báo Giao thông biết, mỗi năm doanh nghiệp vay ngân hàng với hạn ngạch hơn 5.000 tỷ đồng.

Năm nay hạn ngạch vay vẫn còn nhiều, tuy nhiên, điều kiện vay lại không như cũ. Theo thương nhân này, hiện nay, việc hạn ngạch không quan trọng bằng việc doanh nghiệp có bao nhiêu tiền trả vào ngân hàng.

“Lúc đó, nếu còn hạn ngạch, ngân hàng sẽ cho vay lại khoảng 80% số tiền vừa nộp vào, với điều kiện phải vay hạn ngạch ngay lúc đó, nếu để hôm sau thì gần như không vay lại được.

Trong khi, việc vay lúc nào còn phụ thuộc vào hợp đồng hàng từ nước ngoài về”, vị này nói và phân tích, điều này khiến doanh nghiệp đầu mối rất khó khăn trong bối cảnh “lỗ chồng lỗ”. Bởi vậy, họ chỉ còn cách giảm sản lượng để xoay vốn.

Thực tế, ngay cả “ông lớn” như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng ước tính số lỗ 9 tháng lên tới 780 tỷ đồng cho dù sản lượng bán lẻ tăng 26% so với cùng kỳ.

Như vậy, tình trạng nhiều cây xăng cạn vốn, xin đóng cửa nghỉ bán sẽ đặt thị trường vào tình huống báo động nếu như không kịp thời có giải pháp.

Bộ Công thương cũng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho 16 doanh nghiệp đầu mối được cấp phép nhập khẩu xăng dầu.

Đứng đầu trong danh sách là Petrolimex, với kiến nghị Vietcombank, BIDV, Vietinbank không tính trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các khoản vay tổng cộng trên 6.000 tỷ đồng doanh nghiệp đang vay từ các ngân hàng này để nhập khẩu xăng dầu.

Đặc biệt, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đề xuất hàng loạt các ngân hàng tăng hạn mức đề xuất để mở L/C với tổng số tiền trên 10.000 tỷ đồng để sử dụng nhập khẩu xăng dầu...

Trước đề nghị này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát cho thấy hạn mức của 15 ngân hàng thương mại cấp cho 16 đầu mối là chưa hết và còn ở mức tương đối thấp.

Tuy nhiên, ông Hà khẳng định: “Qua phân tích đánh giá thông tin hết hạn mức, gồm cho vay đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ, mở L/C đều thấp hơn nhiều so với mức mà ngân hàng cung cấp, cho thấy không hẳn do phía ngân hàng hay việc cấp hạn mức tín dụng, mà nhiều doanh nghiệp có phương án tài chính chưa hiệu quả, họ bị lỗ nên điều kiện vay vốn không tốt”.

Cách nào giải quyết gốc rễ vấn đề?

Một thương nhân đầu mối cho biết, bên cạnh khó khăn về nguồn cung do một số nguyên nhân khách quan thì mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, các doanh nghiệp phân phối, tổng đại lý, đại lý có cấp hạn mức nhưng thực tế giải ngân được khoảng 2/10 hạn mức được cấp nên bị dư, nói chung là cấp nhưng không sử dụng được.

Thương nhân đầu mối này lý giải, hiện nay họ được cấp hạn mức tín dụng ở ngân hàng với số tiền rất lớn, tuy nhiên với thời điểm khan hiếm nguồn tiền như hiện tại, chủ yếu chỉ sử dụng hạn mức không đối ứng 100% bằng tiền.

Do đó, việc dư thừa hạn mức chủ yếu là dư thừa hạn mức đối ứng 100%. Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức nhưng không sử dụng được, bởi yêu cầu có tài sản đảm bảo 100%. Doanh nghiệp rất khó thực hiện được trong lúc thua lỗ nặng.

Không chỉ vậy, việc các doanh nghiệp phân phối xăng dầu (người mua hàng từ đầu mối) cũng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi room tín dụng, khiến họ cũng “vạ lây”. Khi người mua hàng khó khăn nguồn tiền, dẫn đến doanh nghiệp đầu mối cũng không dám nhập hàng hoặc nhập cầm chừng để tránh rủi ro thanh khoản.

Như vậy, có thể thấy, dù còn hạn ngạch vay, việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng thời điểm này cũng rất khó khăn.

Trước thực tế đó, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, để tháo gỡ “nút thắt”, cần thực hiện các giải pháp như: Cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu, không chỉ những thị trường có thuế suất ưu đãi mà cả những thị trường có thuế suất không ưu đãi và chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở, để chủ động nguồn cung.

Bên cạnh đó, điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Đồng thời, cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia chi phí khoản định mức cho từng khâu để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tính trạng chiết khấu 0 đồng.

PV Báo Giao thông cũng đã liên hệ với Ngân hàng Vietcombank – nơi được nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kiến nghị hỗ trợ các vấn đề về vốn vay, để làm rõ hơn ý kiến từ ngân hàng này trước kiến nghị từ phía Bộ Công thương và DN xăng dầu.

Đồng thời, làm rõ điều kiện cho vay đối với các DN kinh doanh xăng dầu từ Vietcombank ra sao, khi thực tế, DN phản ánh “Ngân hàng cấp hạn mức nhưng không sử dụng được, dẫn đến việc dư hạn mức, bởi phải có tài sản đảm bảo 100%”…Tuy nhiên, vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía ngân hàng này.

Ám ảnh rào chắn, dây giăng ở cây xăng TPHCM như thời phong tỏa giãn cách xã hội

TPHCM đã đi qua giai đoạn lịch sử giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 với những rào chắn, dây phong toả đầy ám ảnh. Giờ đây, khi "cơn khát" xăng dầu trở nên căng thẳng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN