Khẩn cấp cứu ngành cá tra
Một gói kinh phí 9.000 tỷ đồng đã được đề xuất với Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi cá.
Ngày 26.6, tại Đồng Tháp, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất và tiêu thụ cá tra 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Nghề nuôi và chế biến cá tra đang hấp hối
Những tháng đầu năm nay, người nuôi cá đang gặp rất nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản do giá cá tra nguyên liệu thấp hơn giá thành khoảng 5.000 đồng/kg.
Ông Dương Thành Thái – người nuôi cá tra ở Cù lao Thanh Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Hiện nay, giá cá nguyên liệu rơi xuống còn 20.500 đồng/kg (loại 800 – 850 gram/con), cá 1kg trở lên giá từ 18.000 – 19.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất từ 24.000 – 25.000 đồng/kg nên người nuôi lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Người nuôi cá tra bây giờ đang cầm cự và đang đứng trước nguy cơ phá sản, treo ao”.
Theo ông Thái, nguyên nhân đẩy giá thành tăng cao là do dịch bệnh trên cá giống tăng làm hao hụt trong quá trình nuôi lên đến 30%, giá thức ăn tăng, lãi ngân hàng quá cao… Gia đình ông Thái có 7 ao nuôi cá với diện tích 15.000m2 thì hiện đã treo 2 ao và 2 ao nuôi đang quá lứa mà chưa bán được cá. Vì vậy, rất nhiều người nuôi cá ở ĐBSCL đã “treo” ao hoặc thu hẹp diện tích.
Ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết:
“Tính đến ngày 15.6, sản lượng giống cá tra toàn vùng ước đạt 1,5 tỷ con giống, về cơ bản đáp ứng nhu cầu thả nuôi của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012, do giá cá tra nguyên liệu tăng cao (từ 28.000 - 29.000 đồng/kg), người nuôi có lãi nên nhu cầu thả giống đầu vụ cao, xuất hiện hiện tượng thiếu cá giống, giá cá giống tăng từ 50-70% so với cùng kỳ năm 2011. Vào cuối tháng 3.2012, giá cá tra giảm, người nuôi thua lỗ, nhu cầu giống thả nuôi giảm nên cá giống cũng khó tiêu thụ”.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 20.6, toàn vùng ĐBSCL đang thả nuôi 4.541ha, diện tích thu hoạch hơn 2.000ha, đạt sản lượng trên 533.300 tấn. Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu giảm nên nông dân thua lỗ nặng.
Những doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn do thiếu vốn và bất ổn nguồn nguyên liệu. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động hẳn do thua lỗ. Điển hình nhất là tại Hội chợ Vietfish đang diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh thì một số doanh nghiệp chào hàng chỉ với giá 2,2 USD/kg, trong khi đó giá bán của nhiều công ty từ 2,6– 2,7 USD/kg.
Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra cũng đang “hấp hối” do thiếu vốn hoạt động (ảnh minh họa)
Cần Chính phủ can thiệp
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát chỉ đạo: Vấn đề hiện nay là tập trung giải quyết những bức xúc về giá cá tra giảm, giá xuất khẩu giảm, doanh nghiệp và người nuôi đều thua lỗ... Để làm được điều này thì phải tăng cầu bằng cách giúp doanh nghiệp có vốn mua cá xuất khẩu, chế biến tạm trữ trong kho. Xem xét cơ cấu nợ, dãn nợ, gia hạn thời gian cho vay… Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ giảm lãi suất, đề xuất gói 9.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi. |
Theo nhiều doanh nghiệp, ngay lúc này muốn kéo giá cá tra tăng trở lại rất cần có sự can thiệp khẩn cấp của Chính phủ. Ngành chế biến cá tra đang cần ngay chính sách dãn nợ, hạ lãi suất để giảm áp lực về vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp bán với giá thấp để xoay vòng. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp như: Cho doanh nghiệp thế chấp kho khi vay vốn ở ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đối với những công ty mới thành lập, quy hoạch lại vùng nuôi...
Ông Dương Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng:
“Hiện nay có đến 70% doanh nghiệp “chết” do nguyên nhân chính là vốn, tình hình khủng hoảng kinh tế… khi ngân hàng thắt chặt thì doanh nghiệp thiếu vốn. Vì vậy, để giải cứu nghề nuôi và chế biến thì ngân hàng cần tái cơ cấu vốn cho doanh nghiệp, bơm vốn để doanh nghiệp thu mua cá cho dân, giúp nông dân có vốn để tái đầu tư…”.
Còn bà Trương Thị Lệ Khanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng:
“Để giải cứu ngành cá tra thì cần giải quyết khủng hoảng thừa của cá tra và vấn đề giảm giá, giảm chất lượng… Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp chế biến cần ngồi lại, tổ chức ngành chế biến cá tra thành ngành có điều kiện, phải xây dựng giá sàn, chất lượng sàn… Đồng thời, tổ chức lại nuôi trồng, chế biến để xây dựng hình ảnh con cá tra tích cực hơn”