Khai thác sóng di động: Bao giờ hiệu quả?

Vì nhiều lý do khác nhau mà giữa các mạng di động không tìm tiếng nói chung.

Mạnh ai nấy dựng trụ. Cách vài ba căn nhà đã có hai trạm phát sóng (gọi tắt là BTS) của hai nhà mạng đứng kề nhau. Việc này không chỉ làm xấu hình ảnh đô thị mà còn lãng phí tiền bạc của xã hội. Cách đây năm năm, đã có nhiều chuyên gia đề xuất ý kiến khai thác chung hạ tầng viễn thông. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà giữa các bên không tìm tiếng nói chung. Vẫn “đèn nhà ai nấy sáng”...

Mới đây, Gmobile là nhà mạng đầu tiên mua được sóng theo nghĩa thị trường. Trước đó, Mobifone và Vinaphone cũng có hình thức mua bán sóng lẫn nhau nhưng vì cùng chung tập đoàn VNPT nên theo các chuyên gia, việc mua bán chỉ là hình thức, thực chất là chia sẻ mạng với nhau để cùng phát triển.

Khai thác sóng di động: Bao giờ hiệu quả? - 1

Việc mua sóng hiện nay rất khó khăn do các nhà mạng lớn không muốn chia sẻ hạ tầng cho đối thủ cạnh tranh. Trong ảnh: nhân viên Vinaphone đang tư vấn khách hàng. Ảnh: LQN

Mua sóng rồi không dễ bán

Ngày 11.3.2013, công ty cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu (GTel Mobile, chủ thương hiệu Gmobile) đã chính thức mua được sóng Vinaphone cho các thuê bao Gmobile trong thời gian một năm. Ông Nguyễn Văn Dư, tổng giám đốc GTel cho biết, những vùng không có sóng Gtel mà có sóng của Vinaphone, thuê bao của GTel sẽ tự động kết nối. Theo ông Dư, dịch vụ mua sóng giữa GTel và Vinaphone được triển khai trên cơ sở thoả thuận khung và hợp đồng chia sẻ hạ tầng mạng di động giữa GTel với tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) được ký ngày 31.1.2013.

Khi thuê bao Gmobile kết nối sóng Vinaphone, chi phí mà Gmobile phải trả cho Vinaphone là 450 đồng/phút nhưng khi tính tiền cho người tiêu dùng giá cước thoại là 1.450 đồng/phút, nhắn tin là 350 đồng/tin nhắn. Mức cước như vậy sẽ không hấp dẫn người đang dùng thuê bao Gmobile sử dụng sóng Vinaphone vì mức giá bình quân hiện nay của các mạng khác khoảng 1.300 đồng/phút (áp dụng cho các cuộc gọi ngoại mạng). Bà Phạm Cẩm Tú, đại diện truyền thông của Gmobile, cho biết mức cước trên tuân thủ theo hợp đồng đã ký giữa các bên. “Biết là cao nhưng muốn tạo thêm thuận lợi cho các thuê bao của Gmobile nên chúng tôi phải chấp nhận”, bà Tú nói.

Cũng có nhiều nguồn tin cho rằng, Gmobile tiếp tục “khóc” với Chính phủ và các bộ ngành để có được giá thấp hơn nhưng bà Tú phủ nhận những lời đồn đại này vì cho rằng “phải tôn trọng hợp đồng đã đầy đủ những chữ ký của các bên”.

Cần có cơ quan kiểm soát

Tưởng chừng việc mua sóng diễn ra suôn sẻ với những cái bắt tay “ấm nồng hữu nghị” nhưng phía sau đó là những ý kiến căng thẳng, gay gắt giữa kẻ bán người mua. Dù Đông Dương Telecom được các cơ quan chức năng hỗ trợ đến mức tối đa nhưng phía đối tác Viettel không muốn bán sóng nên thương vụ bất thành. Nhà mạng này đang trong thế chênh vênh trên bờ vực thẳm.

Câu chuyện của Vinaphone và Gmobile cũng gay gắt nhưng cuối cùng hai bên đã đạt được thoả thuận mua bán trong thế “chẳng đặng đừng”.

Ông Q.N., một chuyên gia viễn thông bình luận: “Theo tôi, đây là một thương vụ bình thường, đừng tạo sức ép cho nhau bằng những mệnh lệnh phía sau cánh gà. Trong kinh doanh, không ai muốn tạo thế cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mình nên việc căng thẳng trong khi đàm phán mua bán là chuyện đương nhiên. Nếu có một tổ chức làm trọng tài, những vướng mắc đó sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng, minh bạch”.

Mô hình mua sóng di động đã được áp dụng ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Ấn Độ… với những quy định chặt chẽ. Tại Tây Ban Nha, muốn được cấp giấy phép kinh doanh di động phải cam kết chia sẻ hạ tầng mạng với các đối thủ. Còn theo tính toán của nhà mạng Vodafone (Anh) vào năm 2010, việc chia sẻ sóng đã giúp nhà mạng tiết kiệm 30% chi phí. Ở Jordan đã có thành lập một uỷ ban quốc gia kiểm soát hạ tầng viễn thông. Uỷ ban này có nhiệm vụ điều phối sóng giữa các nhà mạng với nhau.

Với thị trường viễn thông Việt Nam, chuyên gia Hoàng Ngọc Diệp cũng từng đề cập việc cần phải có một doanh nghiệp quản lý và kinh doanh hạ tầng mạng viễn thông, trong đó có sóng di động. Việc thành lập công ty này, theo ông Diệp, có thể kêu gọi các doanh nghiệp khai thác dịch vụ góp vốn bằng chính số trạm BTS của mình. Năm ngoái, thứ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Lê Nam Thắng cũng đã đề cập đến mô hình quản lý chung hạ tầng viễn thông để khai thác tối đa tài nguyên, tránh lãng phí như hiện nay.

Ông Q.N., nói tiếp: “Hoặc là phải có một doanh nghiệp khai thác hạ tầng hoặc là phải có một uỷ ban viễn thông quốc gia hay hiệp hội kiểm soát viễn thông thì ngành viễn thông nước ta mới phát triển ổn định. Có nhiều nhà mạng nói rằng bây giờ mới làm thì đã trễ. Theo tôi, không bao giờ trễ cả”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Phúc (Sài gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN