Khai thác bừa bãi “giết” du lịch miền Tây

Sự yếu kém về cơ sở vật chất, trùng lặp về sản phẩm và tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng khiến cho du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có

Tổng cục Du lịch vừa phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo phát triển du lịch ĐBSCL.

Phát triển chưa đúng tiềm năng

ĐBSCL với diện tích tự nhiên 39.747 km2, có vị trí như một bán đảo với bờ biển dài 700 km. Không chỉ bốn mùa cây trái, khí hậu trong lành, nơi đây đang sở hữu nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc có giá trị du lịch cao như đờn ca tài tử, lễ hội văn hóa -lịch sử của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng nhiều lễ hội văn hóa dân tộc tiêu biểu như vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, đua bò Bảy Núi, đua ghe ngo… Đây là những nét độc đáo cho phát triển du lịch văn hóa - lịch sử.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn đã được đầu tư như 2 sân bay Cần Thơ và Phú Quốc; các dự án cải tạo nâng cấp, xây dựng các trục giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, đường Nam sông Hậu, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông... đã góp phần thay đổi bộ mặt ĐBSCL, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của toàn vùng.

Những năm gần đây, Phú Quốc nổi lên như một điểm nóng thu hút đầu tư sau khi có những đòn bẩy về chính sách cũng như các dự án hạ tầng quan trọng. Đến nay, huyện đảo này có khoảng 200 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến 179.631,15 tỉ đồng, trong đó 27 dự án đã hoạt động.

Khai thác bừa bãi “giết” du lịch miền Tây - 1

Đua bò - nét văn hóa độc đáo ở ĐBSCL Ảnh: Ngọc Trinh

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2015, ĐBSCL đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, 18 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, kết quả hoạt động du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Cần xây dựng các khu du lịch quốc gia

Một số nguyên nhân làm cho du lịch ĐBSCL chưa phát triển mạnh là do yếu kém về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ như số lượng cơ sở lưu trú thiếu và yếu; công tác quảng bá du lịch không được quan tâm; chưa có kế hoạch, chiến lược ngắn và dài hạn thống nhất...

Hơn nữa, một trong những hạn chế lớn của du lịch ĐBSCL là trùng lặp sản phẩm do các địa phương chưa khai thác thế mạnh của mình nhằm tạo ra sự khác biệt dẫn đến đơn điệu. Do vậy, cạnh tranh giữa các cơ sở dịch vụ, giữa các địa phương trong vùng ngày càng trở nên gay gắt, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng hiện nay, du lịch các tuyến biển đảo ở Kiên Giang và Cà Mau đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng do khai thác ồ ạt, thiếu ý thức, không đi đôi với bảo vệ môi trường gây bức xúc cho du khách.

PGS-TS Nguyễn Thế Chinh - Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - đánh giá ĐBSCL có nhiều lợi thế phát triển du lịch và kinh tế biển. Tuy nhiên, tài nguyên biển ở đây đang bị khai thác bừa bãi, môi trường sinh thái biển đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Nguyên nhân là do sông Tiền và sông Hậu đang gánh nhiều nguồn ô nhiễm rồi đổ ra biển. Ngoài ra, tình trạng khai thác du lịch và các dịch vụ đi kèm tại các khu du lịch ven biển đang phát triển mạnh nhưng lại thiếu quy hoạch.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc cho biết địa phương hiện có 4.033 hộ kinh doanh cá thể, 1.654 doanh nghiệp. Theo tính toán, mỗi ngày trên đảo Phú Quốc, nước thải từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ dân và du khách lên đến khoảng 18.000 m3 nhưng đa số chỉ xử lý qua hệ thống tự hoại, hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn rất ít. Ngoài ra, trên vùng biển Phú Quốc, hằng tháng có cả ngàn phương tiện khai thác thủy sản trú đậu và hàng ngàn du khách đến tham quan... vô tư xả thải.

Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2030, UBND các tỉnh, thành cần nhanh chóng xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch du lịch của địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, tập trung xây dựng và phê duyệt các khu du lịch quốc gia thuộc một số địa bàn trọng điểm, làm cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tạo bước chuyển mạnh trong phát triển du lịch ĐBSCL.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Tuấn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN