Khách hàng lo hóa đơn tiền điện tăng

Nhiều người đang lo hóa đơn tiền điện tháng 3 này sẽ tăng vọt do thời gian sử dụng máy lạnh, quạt điện… để chống nóng gia tăng

Nắng nóng kéo dài ở TP HCM và các tỉnh phía Nam từ sau Tết Nguyên đán đến nay khiến tiền điện của nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp… tháng sau cao hơn tháng trước. Mới nửa đầu tháng 3, mà anh N.Q.V (ngụ huyện Bình Chánh) đã tá hỏa khi thấy mức sử dụng điện của gia đình đã cao hơn 25% so với cùng thời điểm tháng 2. "Tiền điện tháng 1 của nhà tôi khoảng 500.000 đồng, tháng 2 đã vọt lên 659.000 đồng, tháng 3 chắc còn cao hơn nữa" - anh V. lo lắng.

Áp lực lớn

Thống kê của Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ bình quân ngày đạt 75,34 triệu kWh cao hơn 11,39% (tương đương 7,7 triệu kWh/ngày) so với cùng kỳ năm 2023. Trong 18 ngày đầu tháng 3, sản lượng điện bình quân tại TP HCM đã tăng lên 81,89 triệu kWh/ngày, tăng cao so với 74,42 triệu kWh/ngày của cùng kỳ năm 2023.

Tuần qua, nắng nóng gay gắt đã khiến lượng điện tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh. EVNHCMC dự báo sản lượng điện bình quân của cả tháng 3 có thể lên tới 84,84 triệu kWh/ngày, tăng 8,31% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3-2023 là 78,33 triệu kWh/ngày.

Ngành điện đang triển khai nhiều phương án vận hành tối ưu hệ thống lưới điện trong mùa nóng

Ngành điện đang triển khai nhiều phương án vận hành tối ưu hệ thống lưới điện trong mùa nóng

Tính chung toàn miền Nam (21 tỉnh, thành do Tổng Công ty Điện lực miền Nam - EVNSPC quản lý), sản lượng điện tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm khoảng 13,7 tỉ kWh, tăng 15,01% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng điện nhận trên toàn hệ thống điện của EVNSPC cũng đang tăng khoảng 12,87% so cùng kỳ năm 2023.

Theo EVNHCMC và EVNSPC, năm nay nắng nóng gay gắt đến sớm hơn trên diện rộng do ảnh hưởng của El Nino. Nhiệt độ cao hơn hẳn so với trung bình nhiều năm đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

EVNHCMC dự báo trong 3 tháng tới, nhiệt độ nhiều thời điểm có thể lên hơn 37 - 40 độ C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, điều hòa, đặc biệt là thiết bị làm mát sẽ tăng cao. Theo đó, sản lượng điện nhận bình quân ngày của các tháng 4, 5, 6 tại khu vực TP HCM có thể đạt từ 84,3 - 87,6 triệu kWh/ngày. Đặc biệt, đỉnh điểm một số ngày trong tháng 4 và tháng 5, lượng điện nhận sẽ vượt 95 triệu kWh/ngày, mức chưa từng có trong lịch sử tại TP HCM.

Triệt để tiết kiệm điện

Để bảo đảm cung ứng điện mùa khô và cả năm 2024, từ cuối năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai hàng loạt giải pháp để vận hành tối ưu các nguồn điện, củng cố, đầu tư, phát triển hệ thống nguồn, lưới điện…

Ở khu vực phía Nam, đại diện EVNSPC cho biết tổng công ty đã vận động và có 6.281 khách hàng sản xuất có mức dùng điện từ 1 triệu kWh trở lên ký cam kết dịch chuyển phụ tải từ 5%-10% ra khỏi các khung giờ cao điểm. Tổng công ty cũng ký thỏa thuận phối hợp với sở công thương 21 tỉnh, thành phố phía Nam để triển khai các nội dung về việc tăng cường tiết kiệm điện.

Tại TP HCM, EVNHCMC đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tiết kiệm điện. Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh, có thể tăng từ 2%-3% hiệu suất tiêu thụ điện, dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm. Điều này ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân. Do đó, bên cạnh các giải pháp cụ thể, khách hàng cần đồng hành với ngành điện triệt để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, để giải pháp này trở thành thói quen. 

Tăng huy động nguồn điện đắt tiền

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết 2 tháng đầu năm, tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc đã đạt 14,5%, gấp 3 lần so với 2023. Đáng chú ý, điện thương phẩm cho 2 đối tượng khách hàng là công nghiệp và thương mại dịch vụ đều tăng trưởng 2 con số, cho thấy kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi mạnh mẽ. Do đó, vấn đề cung ứng, sử dụng điện trong năm nay càng trở nên cấp bách hơn.

Trong bối cảnh mùa khô kéo dài, để vừa bảo đảm điện cho kinh tế - xã hội vừa bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất, EVN phải tăng huy động nguồn điện đắt tiền là nhiệt điện lên 45%. EVN cũng sẽ huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo, dự kiến huy động nguồn điện gió cao hơn năm ngoái 25%, huy động điện mặt trời cao hơn năm ngoái 19%.

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết các nhà máy thủy điện đã tích đầy nước để chuẩn bị cho mùa khô. Các nhà máy nhiệt điện, nhà máy tuabin khí cũng đã rà soát nhiên liệu, hệ thống để xử lý ngay các sự cố.

Bộ Công Thương vừa gửi thẩm định Dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sau khi tham vấn ý kiến các bộ, ngành. Dự thảo mới có nhiều thay đổi so với trước sau khi tổng hợp và lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN