Ì ạch cơ giới hóa nông nghiệp
Sau nhiều năm phát triển, hoạt động cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cả nước vẫn còn ì ạch, tỷ lệ sử dụng cơ giới hóa giữa các ngành vẫn chưa như mong đợi.
Cùng với đó, nguồn nhân lực phục vụ công tác đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến chủ yếu là dân “tay ngang”, chưa qua đào tạo bài bản...
Vừa thiếu, vừa yếu
Trong hơn 10 năm qua, cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến nông, lâm, ngư nghiệp có sự tăng trưởng nhanh về số lượng, chủng loại..., góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Máy nông nghiệp sản xuất trong nước chưa đáp ứng tốt nhu cầu của nông dân (ảnh minh họa)
Mặc dầu vậy, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất thấp, không đồng đều giữa các ngành, chủ yếu tập trung ở ngành sản xuất, chế biến lúa gạo. Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong nông sản vẫn ở mức cao, xấp xỉ 14% đối với lúa gạo, từ 20 - 25% các ngành khác như chăn nuôi, cây ăn quả, đánh bắt thủy hải sản...
Thống kê của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có khoảng 600.000 máy kéo các loại sử dụng trong nông nghiệp với tổng công suất 9 triệu mã lực (CV), trong đó máy kéo nhỏ dưới 12 mã lực chiếm 50%. Ông Đào Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận, mức độ cơ giới hóa tập trung chủ yếu ở các vùng sản xuất lớn như ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, phục vụ trong các khâu như làm đất, tuốt lúa, xay xát gạo... Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng hệ thống chuồng lồng, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm, có máng ăn, núm uống tự động... trong ngành chăn nuôi lợn chỉ mới chiếm 35% và khoảng 40% đối với gà.
TS Nguyễn Huy Bích - Trưởng khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cũng cho biết, toàn quốc hiện có trên 10 triệu hộ nông nghiệp với mức độ trang bị động lực bình quân chỉ đạt 1,6 CV/ha canh tác. Vùng có mức độ trang bị động lực cao nhất cả nước như ĐBSCL cũng chỉ đạt 1,85CV/ha. Tỷ lệ hộ có máy kéo và máy kéo và máy nông nghiệp cũng còn thấp, phải 62 hộ mới có một máy kéo. Mức trang bị này chưa bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Hàn Quốc và xấp xỉ 1/6 của Trung Quốc.
Hơn nữa, trải dài từ Khánh Hòa vào tới Cà Mau, hơn 90% số máy nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa là do doanh nghiệp nước ngoài sản xuất. Nhiều cơ sở cơ khí trong nước cũng đã có những sản phẩm máy gặp đập liên hợp, máy cày, máy sấy... tuy nhiên, chất lượng chưa cao và giá cả chưa cạnh tranh, chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân.
“Khát” nhân lực cho cơ giới hóa
Bên cạnh tỷ lệ cơ giới hóa trên đồng ruộng thấp, tình trạng thiếu lao động có kiến thức, tay nghề trong cơ giới hóa nông nghiệp hiện rất thiếu. Các chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho cơ giới hóa nông nghiệp cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, nếu cơ giới hóa đồng bộ 1ha lúa/vụ sẽ giảm chi phí 2,3 - 2,5 triệu đồng. Năm 2012, với 4,18 triệu ha lúa được cơ giới hóa, chi phí đầu tư giảm gần 10.000 tỷ đồng. |
Theo TS Nguyễn Huy Bích, nếu như trước đây cả nước có 5 trường đào tạo trình độ đại học và sau đại học ngành cơ khí nông nghiệp thì hiện chỉ còn Trường Đại học Nông nghiệp 1 và Trường Đại học Nông lâm TP.HCM đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường, lao động TP.HCM, dù là ngành nghề đang "khát" nhân lực nhất nhưng cơ khí nông nghiệp lại là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung thấp nhất hiện nay, chỉ chiếm 1,5% thị trường lao động.
“Đã ít sinh viên theo học, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp phục vụ trong nông nghiệp càng ít nữa, chỉ chiếm từ 3 - 5%, phần còn lại chọn làm việc trong những khu chế xuất, khu công nghiệp...” - TS Bích cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Đào Xuân Hòa cũng cho biết, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo hiện chỉ đạt 8%, phần lớn là những kiến thức trong sản xuất nông nghiệp thuần túy, chỉ số ít được đào tạo về vận hành máy nông nghiệp, sửa chữa cơ khí.
Trước tình hình đó, ông Vũ Huy Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) kiến nghị, cần có chính sách đào tạo và thu hút nhân lực có năng lực cho chế tạo máy nông nghiệp. Vì nếu không có sự phân bổ nguồn lực hợp lý, không thể có sự phát triển của những ngành này trong tương lai. “Cũng cần có chính sách trợ giúp cho sinh viên nông thôn theo học các ngành cơ khí nông nghiệp. Đồng thời, thành lập một số trung tâm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp ở các vùng sản xuất trọng điểm để hỗ trợ nông dân” - TS Bích đề xuất.