Hơn 43.000 tỷ đồng hàng hóa cung ứng dịp Tết
Đến nay, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của các địa phương đang bước vào giai đoạn nước rút. Con số mới nhất sẽ được Sở Công thương các địa phương cập nhập vào ngày 31/12 tới. Tuy nhiên, ở hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP HCM thì tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết là hơn 43.000 tỷ đồng.
Hà Nội chuẩn bị 522.000 tấn thực phẩm
Ngày 31/12, các Sở Công thương phải báo cáo việc chuẩn bị hàng Tết. Đây là hạn mà Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng báo cáo về việc chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, sản xuất nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.Trước đó, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, mua sắm Tết và chống hiện tượng khan hàng, đẩy giá… Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu các Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn quản lý dịp cuối năm để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Tham mưu cho UBND các tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết. Cùng với các Sở Công thương địa phương, Bộ Công thương yêu cầu đích danh các doanh nghiệp gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam... phải bảo đảm việc cung ứng, dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết. Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.
Triển khai kế hoạch này, Sở Công thương Hà Nội đã bố trí hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán năm nay với trị giá tương đương 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tổng cộng có 522.000 tấn thực phẩm gồm: 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò; 220.000 tấn rau củ, 12.000 tấn thực phẩm chế biến, 12.000 tấn thủy hải sản, 3.500 tấn nông lâm sản khô, 3.000 tấn báng mứt kẹo; 200 triệu quả trứng gia cầm, 200 triệu lít rượu bia và 120.000m3 xăng dầu cùng nhiều hàng may mặc, điện máy... được chuẩn bị cho dịp này. Cùng đó, Sở này đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức khoảng 10 phiên chợ Việt tại các huyện như Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Thạch Thất và Đan Phượng và 200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện và 1 hội chợ hàng Việt tại huyện Ba Vì để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của bà con vùng ngoại thành.
Các doanh nghiệp được yêu cầu chủ động sản xuất để đủ hàng cung ứng dịp Tết. Ảnh TG
TP HCM có 135 triệu cành hoa để cung ứng dịp Tết
Tại đầu tàu kinh tế phía Nam, thời điểm này bắt đầu nhộn nhịp với các dịp mua sắm phục vụ lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Sở Công thương TP HCM dự báo sức mua năm nay sẽ tăng đột biến từ đầu tháng 2/2018. Nguyên nhân là do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau 1,5 tháng. Đón đầu việc tăng trưởng đột biến của nhu cầu tiêu dùng cuối năm, Sở Công Thương TP.HCM cho biết nguồn vốn chuẩn bị cho Tết 2018 có tổng trị giá hơn 17.812 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng được dự trữ với sản lượng lớn, chi phối từ 32% - 55% nhu cầu thị trường, như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo… Mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 41,1 triệu lít bia và 47,2 triệu lít nước giải khát trong tháng Tết; các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo tiêu thụ khoảng 18.000 tấn. Về hoa Tết, dự kiến, thị trường TPHCM tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành hoa các loại như hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng. Trong đó, 4 chợ chuyên kinh doanh hoa của TP như Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức sẽ cung ứng khoảng 80% thị phần hoa tươi.
Sở Công thương TP HCM đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà phân phối, trong tháng cận Tết và sẽ có nhiều đợt khuyến mãi, tập trung các mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... với tổng giá trị khuyến mãi khoảng 1.200 tỷ đồng. Về giá cả, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điểu chỉnh tăng giá bán trong ba tháng gồm một tháng trước, trong và một tháng sau Tết. Các doanh nghiệp cam kết thực hiện giảm giá sâu trong hai ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm. Các doanh nghiệp sẽ luân phiên thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng ở các mặt hàng Tết. Cùng với 2 địa phương trên, Sở Công thương Đắk Lắk cũng đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đơn vị này có trách nhiệm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình 10 phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành Hà Nội được yêu cầu phải cung ứng hàng chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, giá hợp lý; Ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, sản phẩm làng nghề truyền thống. |