Hoang mang trước 'ma trận' tôn giả
Ước tính, việc tôn giả hoành hành như không có sự kiểm soát khiến ngân sách nhà nước thất thu thuế cả nghìn tỷ đồng/năm; người tiêu dùng bị “móc túi” đủ cách, còn chất lượng tôn thì “hên, xui”.
Bài 1: Tôn giả “làm xiếc” người tiêu dùng
Điều tra của PV Tiền Phong cho thấy, một sự thật đáng kinh ngạc: Đủ loại tôn giả, tôn nhái bày bán công khai ở nhiều địa phương (Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội…) trong suốt thời gian dài trước sự làm ngơ của cơ quan chức năng.
Kho hàng của Công ty TNHH Thịnh Kiệm với sản phẩm tôn liên doanh bị “rút ruột” (ảnh to); Doanh nghiệp tư nhân Đạt Thắng (Lương Sơn, TP Thái Nguyên) bán tôn dày 0,45 mm, nhưng đo chỉ đạt 0,316 mm (ảnh nhỏ).
Gian lận độ dày, mét dài
Với diện tích khá rộng, ước chừng hơn 600 m2, cửa hàng bán tôn treo biển Cty TNHH Xây dựng và Vận tải Phú Hưng (thôn Trung Sơn, xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) luôn ồn ào tiếng máy dập. Cửa hàng bán đủ loại thương hiệu từ Hoa Sen, Việt Nhật đến Vitek... Đặc biệt, để phục vụ nhu cầu của khách, cửa hàng đặt luôn máy in phun trong xưởng. Khách cần loại tôn nào là sẵn sàng được đáp ứng.
Trong vai người mua hàng, chúng tôi đặt mua hàng loạt loại tôn của các thương hiệu, độ dày khác nhau. Dù luôn khẳng định bán đúng hàng, đúng chất lượng nhưng kiểm tra thực tế độ dày của ba loại tôn mua tại cửa hàng đều bị đôn rem (gian lận về độ dày).
Như loại tôn hiệu Vitek được quảng cáo nhập từ Đài Loan chỉ có độ dày hơn 0,2mm, trong khi hóa đơn bán đề 0,3mm. Mẫu tôn hiệu Việt Nhật độ dày 0,4mm trong hóa đơn, thực tế đo kiểm mỏng hơn nhiều.
Không chỉ gian lận về độ dày, miếng tôn hiệu Vitek dài 4,8m mà PVTiền Phong mua cũng bị ăn gian cả về độ dài (hụt so với thực tế 1,3cm/1m chiều dài nếu căn cứ theo số mét đánh dấu trên tấm tôn). Như vậy, với mỗi cuộn tôn bán ra thị trường (trung bình dài 2.000m), người mua bị ăn gian tổng cộng 26 m. Với mức giá bán 58.000 đồng/m, khi mua phải cuộn tôn trên, người mua bị móc túi tổng cộng hơn 1,5 triệu đồng. Nếu tính cả tiền bị ăn gian do đôn rem, số tiền thực tế người mua bị mất trắng lên tới xấp xỉ 5 triệu đồng.
Tại cửa hàng của Cty TNHH Thương mại Minh Việt (thôn Kiều Đông, xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng), với chiêu bán tôn TVP không rõ xuất xứ dày 0,3mm (đo kiểm thực tế chỉ đạt 0,277mm), nơi này “móc túi” người tiêu dùng gần 22.000 đồng/m.
Tương tự, loại tôn hiệu Poshaco (được giới thiệu do liên doanh Việt Hàn sản xuất) do doanh nghiệp tư nhân Đạt Thắng (xã Lương Sơn, TP Thái Nguyên) bán cho PV Tiền Phong cũng bị “rút ruột” độ dày. Hóa đơn mua tôn dày 0,45 mm, nhưng thực tế, khi kiểm tra bằng các dụng cụ chuyên dụng, chỉ còn 0,316mm. Trong khi đó, tấm tôn Đài Loan hiệu “003-EVEREST STEEL 0.45 Ton Ma Mau Tieu Chuan Nhat Ban” (với dòng chữ in mờ, không có chứng chỉ tiêu chuẩn, độ dài cuộn tôn, dung sai, ngày, giờ sản xuất mua tại cửa hàng trên cũng bị hóa phép từ 0,4 mm xuống còn 0,316mm).
Như vậy, với 12m tôn đã mua, chúng tôi bị móc túi tổng cộng gần 60.000 đồng, chưa kể khoảng 120.000 đồng tiền giá tôn bị mua chênh của giá tôn Trung Quốc bị tính thành tôn liên doanh sản xuất trong nước.
Vô tư làm nhái
Tại Bắc Ninh, nhân viên Cty Thương mại Phương Yên (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) bán cho PV Tiền Phong 40m tôn lạnh hiệu Hoa Sen đã cán màu đỏ đậm. Số tôn, theo cách gọi của dân trong nghề là tôn âm, có dòng in phun: TON HOA SEN TON LANH MAU AZ ISO9001 2000 TML12100954 0.30x1200MM. Nhìn bề ngoài, số tôn trên giống hệt những tấm tôn chính hãng của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, những điểm bất thường từ số tôn trên dần phát lộ khi trải qua quá trình kiểm định của chính nhà sản xuất.
Một dân trong nghề buôn tôn cho biết, thường khi nhập hàng về kho, các đại lý, cửa hàng bán tôn giả sẽ không dập ký hiệu lên. Khi khách có nhu cầu mua tôn từ các nhãn hiệu lớn trong nước, các cửa hàng sẽ lấy xăng hoặc cồn lau toàn bộ dòng chữ dập nổi trên tôn rồi dùng máy in đè tên, nhãn hiệu của các hãng tôn mà khách đặt.
Còn tại Cty Đại Hoàng Nam (khu công nghiệp Võ Cường, TP Bắc Ninh), bên trong xưởng để la liệt cả trăm cuộn tôn lạnh nhãn hiệu TVP. Đại diện Cty khẳng định, tất cả đều là tôn chính hãng trong khi nhân viên tại nhà xưởng khẳng định có thể “chế” tôn Trung Nguyên thành bất cứ sản phẩm, nhãn hiệu nào trong nước với điều kiện phải đặt hàng số lượng nhiều.
Khi khách có yêu cầu và đặt tiền, nhân viên tại xưởng dùng cồn hoặc xăng “tẩy” các dòng chữ in trên các loại tôn không rõ nguồn gốc xuất xứ, rồi dùng máy in in đè nhãn hiệu các tên thương hiệu khác lên trên. Sau vài phút, từ một sản phẩm không rõ nguồn gốc, tấm tôn nghiễm nhiên được hô biến thành các loại tôn có thương hiệu với giá bán cao hơn 20.000 đồng - 30.000 đồng/m2.
Việc in nhái thương hiệu của các hãng tôn trong nước cũng xuất hiện tại Cty Tân Hải Nam (xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ). Tuy nhiên, đại diện ở đây giải thích, tôn của hãng có thương hiệu bán tại cửa hàng không phải hàng xịn, mà hàng Cty in thử chữ lên trên.
Tại Bắc Ninh, dân công trình không lạ với cái tên Cty TNHH Thương mại và Sản xuất tấm lợp kim loại Thịnh Kiệm (phường Vũ Ninh). Đây được xem là nhà phân phối lớn các loại tôn, cửa cuốn có tiếng ở thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) với các thương hiệu tôn Đài Loan, tôn Việt Nhật. Nhắc đến một số loại tôn có tiếng trên thị trường như Phương Nam, Nam Kim, Hoa Sen…, người phụ nữ phụ trách tại xưởng cho biết, Cty chỉ bán tôn liên doanh Việt Nhật và tôn Đài Loan. “Hai loại tôn này cũng rất tốt, các anh muốn mua loại nào, dài bao nhiêu đều có”-người này nói.
Đặt mua tôn Việt Nhật, nhưng sau khi trả tiền, nhân viên làm hóa đơn lại ghi tôn Đài Loan, loại 0,35mm, giá 70.000 đồng/m. Tuy nhiên, khi đo thực tế, độ dày của tấm tôn chỉ đạt 0,294 mm, thiếu gần 0,05mm như thỏa thuận khi bán hàng cho khách.