Hoàn thuế GTGT: Sẽ chờ... cả năm?

Nếu doanh nghiệp không tích cực “chạy nước rút” góp ý cho dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, e rằng sắp tới sẽ lại than khó khăn về hoàn thuế.

Nếu dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được Quốc hội thông qua (vào tuần sau) thì doanh nghiệp (DN) có thể phải chờ đến một năm mới được hoàn thuế GTGT, thay vì chỉ chờ ba tháng như hiện nay. Trong tình hình thiếu vốn như hiện nay, việc kéo dài thời gian hoàn thuế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của DN, nhất là DN có số thuế cao.

Nâng một lúc bốn lần

Theo Luật Thuế GTGT hiện hành, DN được hoàn thuế GTGT “nếu trên ba tháng liên tục có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết”. Trong khi đó, theo dự thảo sửa đổi thì DN có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết kỳ này thì khấu trừ vào kỳ tiếp theo; sau ít nhất 12 tháng mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì DN được hoàn thuế”.

Hiểu nôm na, thay vì DN tự khấu trừ thuế GTGT đầu vào-đầu ra, sau ba tháng thì xin hoàn thuế được, nay DN có thể phải chờ đến 12 tháng mới được xin hoàn thuế, chờ gấp bốn lần thời gian hiện hành.

Ngoài ra, theo Luật Thuế GTGT hiện hành, DN xuất khẩu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ trên 200 triệu đồng thì được hoàn thuế theo tháng. Thế nhưng theo dự thảo sửa đổi thì phải đến mức 500 triệu đồng mới được hoàn.

Hoàn thuế GTGT: Sẽ chờ... cả năm? - 1

Các doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Không vì DN

Việc kéo dài thời gian hoàn thuế ảnh hưởng lớn đến tài chính của DN, trong khi đó dự thảo đưa ra các lý do mang nặng tính quản lý, theo hướng sao cho có lợi cho Nhà nước.

Cụ thể, trong báo cáo đánh giá tác động về việc sửa đổi này, Chính phủ cho rằng “quy định ba tháng là ngắn nên số chi từ quỹ hoàn thuế tăng nhanh trong những năm gần đây, dẫn đến khó khăn cho quỹ hoàn thuế”; “không đủ thời gian để kiểm tra, giám sát nên đã xảy ra tình trạng lợi dụng việc thành lập DN dễ dàng để kê khai hoàn thuế, chiếm đoạt tiền của ngân sách. Nhiều trường hợp sau khi hoàn thuế, DN bỏ trốn và không thể thu hồi số tiền đã hoàn”. Do đó, tăng thời gian và tăng số thuế có tác dụng “giảm khó khăn cho quỹ hoàn thuế, góp phần chống lợi dụng, gian lận trong hoàn thuế”.

Trong tờ trình về dự thảo này, Chính phủ có đưa ra phân tích về mức 200 triệu đồng (quy định vào năm 2000) thì nay phải tăng thêm 2,5 lần tương ứng chỉ số giá tăng trong 12 năm qua, tức là mức 500 triệu đồng mới phù hợp. Còn về thời hạn từ ba tăng lên 12 tháng, tờ trình cho rằng “rà soát kinh nghiệm quốc tế cho thấy có nước quy định 3-6 tháng, có nước quy định một năm”, vì vậy ta chọn... 12 tháng!

DN cũng … quên ý kiến

Rõ ràng, đây là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến tài chính của DN nhưng lại ít được chú ý.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT, chỉ có vài ba ý kiến liên quan đến việc hoàn thuế mà cũng chỉ góp ý cho mức 200-500 triệu đồng chứ chưa đề cập đến thời hạn từ ba tăng lên 12 tháng.

Cụ thể, đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) đề nghị “giữ mức hoàn thuế 200 triệu đồng vì trong bối cảnh hiện nay, việc nâng gấp 2,5 lần sẽ gia tăng khó khăn về vốn cho DN do chậm được hoàn thuế”. Còn đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng “hầu hết DN đang rất khó khăn về vốn và cũng có nhiều DN nhỏ và vừa có doanh thu thấp và thuế được hoàn hằng kỳ rất thấp. Nếu quy định mức tối thiểu được hoàn thuế là 500 triệu đồng thì có những DN phải chịu thời gian rất dài mới đủ mức để hoàn thuế”.

Về phía Ủy ban Tài chính Ngân sách, đa số ý kiến trong ủy ban đều tán thành với dự thảo.

Cũng ngay trong kỳ họp Quốc hội này, Điều 170 của Luật DN cũng được sửa đổi theo hướng không buộc DN có vốn đầu tư nước ngoài phải đăng ký lại. Quy định này trong Luật DN (năm 2005) đã không được cơ quan quản lý cũng như DN tiên liệu trước vướng mắc phát sinh. DN có vốn đầu tư nước ngoài đã không lưu ý góp ý (quy định lúc đó yêu cầu phải đăng ký lại trong vòng hai năm), đến khi luật có hiệu lực thì DN không thực hiện được, sau đó quy định này được sửa đổi một lần bằng cách gia hạn thêm ba năm, cuối cùng đến nay phải sửa lại bằng cách “xả ga” không ép đăng ký lại. Bài học này có thể sẽ lặp lại với lần sửa đổi Luật Thuế GTGT.

Hiện cộng đồng DN chưa có động thái gì để góp ý về quy định hoàn thuế. Không khéo đến khi luật được biểu quyết, đi vào thực tiễn lại sinh ra khó khăn cho chính DN như Điều 170 Luật DN!

Đó là sự bất hợp lý!

Nếu cho rằng có nhiều DN lợi dụng chính sách hoàn thuế để lấy tiền Nhà nước thì cần tìm biện pháp ngăn chặn áp dụng cho số ít DN gian lận này chứ không nên đưa ra biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến số đông DN.

Hiện nay DN rất thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Đi vay ngân hàng thì khó khăn, lãi suất lại cao, hằng tháng DN phải đối mặt với các khoản lãi, vốn phải trả cho ngân hàng. Trong khi đó, tiền thuế GTGT được hoàn là tiền chính đáng của DN. DN khi mua sắm đầu vào đã nộp cho Nhà nước ngay thông qua người bán, nay có dư muốn hoàn thì lại bị giữ một thời gian dài, đó là sự bất hợp lý.

Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang

Trong buổi góp ý về dự thảo trên do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, có một cán bộ Cục Thuế TP.HCM cho rằng việc tăng thời gian hoàn thuế sẽ rất khó khăn cho DN trong giai đoạn khó khăn này: “Không hiểu vì sao mà tăng một lúc từ ba lên12 tháng, nếu có tăng thì tăng từ ba lên sáu tháng còn hợp lý!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Như (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN