Hoa rớt giá kỷ lục, người trồng hoa Đà Lạt đau đớn nhổ bỏ hàng nghìn gốc hoa
Giá hoa lao dốc, thị trường tiêu thụ không có, nhiều hộ trồng hoa buộc phải nhổ bỏ vì không bán được.
Những ngày đầu tháng 6, làng hoa Thái Phiên, vùng trồng hoa truyền thống của TP Đà Lạt trầm lắng hẳn. Không còn cảnh chen chúc của hàng chục xe tải của thương lái đến gom hoa và tỏa đi khắp cả nước, thay vào đó là cảnh hoa bị nhổ bỏ, chất đống chờ khô để đốt.
Ông Sanh (ngụ phường 9, TP Đà Lạt) ngậm ngùi khi phải nhổ bỏ cả vườn hoa cúc chùm đang nở rộ: "Giờ có cắt bán chỉ được 4.000 đồng/bó 5 cành, mà cũng rất khó chuyển đi nên đành phải nhổ bỏ, lấy đất trồng lứa mới", ông Sanh buồn bã nói.
Cúc thường được tiêu thụ nhiều dịp tết Đoan Ngọ nay phải nhổ bỏ.
Trước đó, nguồn tin từ Hiệp hội Hoa Đà Lạt, để chuẩn bị cho dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch, tức ngày 14/6 tới) năm nay, Hiệp hội Hoa và người trồng hoa Đà Lạt đã cam kết cung ứng hoa cho hơn 200 sạp hoa tươi/hộ kinh doanh tại chợ đầu mối Đầm Sen (TP.HCM) và đã tập trung xuống giống hàng trăm ha hoa (cúc, lay ơn, đồng tiền, cát tường, cẩm chướng…) từ 3 tháng trước.
Hiện lứa hoa này bắt đầu cho thu hoạch, thế nhưng từ ngày 2/6, UBND Quận 11 (TP.HCM) đã có văn bản về việc tăng cường các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích… trên địa bàn quận, theo đó chợ Đầm Sen đã phải đóng cửa từ ngày 3/6 để thực hiện giãn cách phòng dịch COVID-19.
Như vậy khoảng 20 triệu cành hoa mà người trồng hoa Đà Lạt dự kiến cung cấp cho chợ Đầm Sen dịp mồng 1/5 âm lịch và Tết Đoan ngọ bị "tắc" đầu ra, có nguy cơ phải đổ bỏ, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Mặt khác, hàng chục triệu cành hoa dự kiến thu hoạch để cung ứng cho các chợ hoa khác ở TP.HCM như Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, Hồ Thị Kỷ cũng gặp nhiều trắc trở.
Người nông dân nhổ bổ hoa hàng loạt ở Đà Lạt vì giá bán quá thấp, không bù chi phí. Ảnh: Zingnews.
Nhiều vườn hoa cúc, cẩm chướng, lyly đã đến kỳ thu hoạch nhưng chỉ lác đác người đến cắt. Để bớt chi phí nhân công, anh Nguyễn Văn Hiệp - làng hoa Thái Phiên, Phường 12 phải tranh thủ cắt hoa cả buổi trưa để đóng cho thương lái.
Anh Hiệp cho biết, vụ này giá rất "tệ", bán được giá nào nhà vườn cũng chấp nhận để không phải nhổ bỏ. Với mức giá này, nhà vườn chắc chắn lỗ đậm.
Chỉ tính riêng vườn cúc 3.000 m2 với hơn 150 ngàn cành, mức giá như đợt cữ năm trước, anh Hiệp thu về gần 200 triệu đồng nhưng vụ này thì chưa bằng một nửa.
Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng hoa, Sở Công thương Lâm Đồng đã có văn bản gởi Sở Công thương TP.HCM kiến nghị hỗ trợ lưu thông và mở cửa trở lại chợ hoa Đầm Sen từ ngày 7 – 14/6 (tức ngày 27/4 – 5/5 âm lịch) để hỗ trợ tiêu thụ một phần hoa tươi cho nông dân Lâm Đồng trong tình hình khó khăn do dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Hiệp hội Hoa Đà Lạt gửi kèm danh sách 11 nhà xe chuyên chở hoa tươi từ Đà Lạt đến TP.HCM, đồng thời các nhà xe vận chuyển hoa vào chợ hoa tươi Đầm Sen đều cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Sở GTVT Lâm Đồng.
Trao đổi với Zingnews, đại diện Sở Công Thương TP.HCM xác nhận chợ Đầm Sen đóng cửa khiến thị trường hoa tỉnh Lâm Đồng gặp khó.
"Chợ Đầm Sen đóng cửa từ ngày 31/5 để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số chợ bán lẻ như Bình Điền, Thủ Đức, Hồ Thị Kỷ vẫn đang hoạt động và những nơi này sẽ tiếp nhận hoa từ Lâm Đồng về tiêu thụ trong dịp cao điểm sắp tới", vị đại diện này nói.
Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, sau khi có quyết định đóng cửa thì quận 11 đã chỉ đạo Ban quản lý chợ hoa Đầm Sen hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương tổ chức bán hàng trực tuyến nhằm không làm đứt gãy việc tiếp nhận, phân phối hoa ra thị trường.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ cần nhìn đặc điểm này, chị em dễ dàng mua được loại mít chín cây thơm, ngon, không sử dụng hóa chất thúc chín.