Hồ về mực nước chết, tiêu thụ điện vụt tăng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

EVN cho biết, hàng loạt hồ thuỷ điện lớn ở khắp cả ba miền đang thiếu hụt hơn 4,1 tỷ m3 nước so với cùng kỳ năm trước, nhiều hồ thuỷ điện cận kề mực nước chết. Bộ Công Thương cũng cho hay đã có văn bản gửi các đơn vị yêu cầu đẩy mạnh tiết kiệm điện.

Tiêu thụ điện tăng kỷ lục

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, những ngày qua, ngành điện Thủ đô chứng kiến lượng điện tiêu thụ tăng chóng mặt. Nếu so với bình quân lượng điện tiêu thụ trong một ngày của tháng trước, đây là mức tăng không tưởng khi bình quân tháng 3, cả thành phố chỉ sử dụng 58,3 triệu kWh và bình quân tháng 4 là 61,3 triệu kWh.

Còn trong những ngày nắng nóng vừa qua, lượng điện tiêu thụ liên tục tăng cao đột biến. Cụ thể, ngày 3/5, lượng điện tiêu thụ toàn thành phố ở mức 60,04 triệu kWh. Nhưng đến ngày 4/5, điện tiêu thụ nhảy vọt lên 71,27 triệu kWh và tiếp tục lên tới 78,2 triệu kWh trong chỉ một ngày sau đó. Đến ngày 6/5, lượng điện tiêu thụ toàn thành phố đã đạt mức kỷ lục với 85,4 triệu kWh. Ngay cả trong ngày nghỉ, khi hầu hết các nhà máy, cơ quan hành chính sự nghiệp dừng hoạt động, lượng điện tiêu thụ ngày 7/5 cũng lên tới 78,6 triệu kWh, mức cao chưa từng có của ngành điện Thủ đô.

“Tổng công ty đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát tình hình cung ứng, lập kịch bản và các giải pháp đảm bảo cấp điện trong mọi tình huống”, lãnh đạo EVNHANOI nói.

Đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCM) cho biết, cùng với nắng nóng, trong 2 ngày 5 và 6/5, lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố liên tiếp lập đỉnh. Đặc biệt, tiêu thụ điện ngày 6/5 ghi nhận con số lịch sử của ngành điện thành phố với 94,8 triệu kWh, tăng gần 400.000 kWh so với đỉnh của ngày 5/5.

“Ngay trong ngày Chủ nhật, 7/5, khi các khối sản xuất, xây dựng, văn phòng nghỉ làm nhưng lượng điện tiêu thụ cũng lên tới hơn 84,9 triệu kWh. So với sản lượng điện của các ngày Chủ nhật của tháng 1/2023, lượng điện tiêu thụ đã tăng gấp đôi”, đại diện EVNHCM cho hay.

Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, việc cung cấp điện tại khu vực miền Bắc đang đối mặt khó khăn chưa từng có trong những tháng tới do nhu cầu sử dụng điện tăng rất nhanh so với các vùng miền khác. Với việc thiếu các nguồn điện mới, các nguồn thủy điện và nhiệt điện đều bị giới hạn công suất khả dụng, dự báo khu vực miền Bắc sẽ thiếu từ 1.600 - 4.900 MW vào các giờ cao điểm.

Theo đại diện EVNNPC, thực tế tại miền Bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022-2025 lại thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải.

EVN lo đối mặt thiếu điện trong mùa khô 2023. Ảnh: Nguyễn Bằng

EVN lo đối mặt thiếu điện trong mùa khô 2023. Ảnh: Nguyễn Bằng

“Dự kiến giai đoạn này, khu vực miền Bắc chỉ đưa vào 1.427 MW, đã bao gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong khi Pmax hệ thống điện quốc gia trong mùa hè năm 2023 dự kiến tăng thêm 5.530 MW nên việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn. Có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh, thiếu điện cục bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8”, đại diện EVNNPC nói.

Hàng loạt thủy điện lớn cận kề mực nước chết

Về tình hình cấp điện cho các tháng mùa khô, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sau 3 năm nước về các hồ chứa thuỷ điện rất tốt, hiện nước về các hồ thuỷ điện chỉ bằng 70-90% so với trung bình nhiều năm và đang có xu hướng giảm lượng nước về hồ.

Liên quan nguy cơ thiếu điện trong các tháng mùa khô, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã gửi văn bản kêu gọi các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Bộ cũng yêu cầu EVN bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, tập đoàn đã báo cáo Bộ Công thương về tình trạng nguy cấp về cung ứng điện. Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 4, toàn quốc có tới 18 hồ thủy điện lớn có dung tích nước chỉ còn lại dưới 20%; 18 hồ chứa thuỷ điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa có mực nước thấp hơn quy định và 22/31 hồ chứa vi phạm mực nước giới hạn trong 2 tuần liên tiếp. Đặc biệt, có tới 9 hồ (tổng công suất 3.000 MW) ghi nhận lượng nước dưới mực nước chết.

Tại miền Bắc, tại các nhà máy thuỷ điện lớn nhất như Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang…, mực nước cũng ở mức thấp. Thuỷ điện Sơn La ngày 7/5 ở mức 181m, cao hơn mực nước chết 6m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 33m. Thuỷ điện Lai Châu cũng ở tình trạng thiếu nước khi mực nước trong hồ ở mức 267m và xấp xỉ ở mực nước chết. Tình trạng thiếu nước cũng được ghi nhận ở hàng loạt thuỷ điện tại miền Trung và Tây Nguyên, như Đại Ninh, Trị An, Đak R’Tih, Sông Côn 2…

“Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch và thấp hơn tới 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022”, đại diện EVN cho hay.

Một mối lo nữa, theo đại diện EVN, cùng với thiếu nước cho phát điện, tập đoàn đang đối mặt tình trạng cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện than, điện khí rất phập phù. Các số liệu thực tế cho thấy, khả năng cung cấp của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCT Đông Bắc) là 46 triệu tấn, thấp hơn so với biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt lên tới hơn 6 triệu tấn. Riêng việc cấp than cho các nhà máy của EVN thiếu tới 1,3 triệu tấn.

“Để giữ cho việc cấp điện được đảm bảo, tập đoàn đã lên kế hoạch sẽ huy động tối ưu các nguồn thuỷ điện miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc. Cùng với đó, điều tiết nâng và giữ mực nước bằng mực nước kế hoạch đến cuối tháng 5/2023 để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện”, một lãnh đạo EVN cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Tăng giá điện liệu có làm tăng giá các mặt hàng khác?

Ở góc độ người tiêu dùng, nhiều gia đình cũng băn khoăn khi mà đúng thời điểm nắng nóng giá điện tăng 3%, mặc dù theo tính toán của EVN mức tăng là không đáng kể nhưng bà...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN