Hồ tiêu đối mặt rủi ro
Giá tăng cao khiến diện tích trồng hồ tiêu tăng theo ồ ạt - cũng đồng nghĩa với việc mặt hàng này phải đối mặt với những rủi ro về thị trường tiêu thụ trong tương lai.
Giá tăng vượt ngưỡng kỷ lục
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, vượt qua những khó khăn về thiên tai, sâu bệnh và tình hình thương mại toàn cầu có chiều hướng suy giảm, ngành hồ tiêu Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc trong năm 2014.
Nông dân thăm vườn tiêu sạch ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thuận Hải
Theo đó, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu niên vụ 2014 đạt gần 156.400 tấn, tăng hơn 13% so với 2013 và chiếm 50% thị phần xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức 1,2 tỷ USD, tăng 34,7% so với năm 2014, mức giá bình quân đạt 7.738USD/tấn, tăng hơn 1.000USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm đầu tiên hồ tiêu Việt Nam tham gia vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VPA cho biết, giá tiêu tại các tỉnh đã đạt mức mơ ước của người trồng tiêu nhiều năm qua khi tăng lên 100.000kg hồi cuối năm 2014. Sang đầu tháng 3.2015, giá tiêu tiếp tục tăng lên mức kỷ lục, hơn 180.000 đồng/kg khi nông dân tại các vùng trồng tiêu chính của cả nước quyết tâm trữ hàng lại, khiến thị trường trong và ngoài nước bị chi phối nhiều.
Cùng với đó, ngày càng nhiều nông dân sản xuất giỏi theo hướng sinh thái bền vững, áp dụng nhiều biện pháp canh tác tiến bộ như trồng trụ cây sống, tăng cường bón phân hữu cơ, hạn chế lạm dụng phân, thuốc… Các câu lạc bộ, HTX sản xuất hồ tiêu giỏi cũng hình thành ở nhiều nơi, liên kết với các doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ… qua đó nâng cao sức cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam trong nước và xuất khẩu.
Phát triển nóng nên thiếu bền vững
Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, nếu sản lượng hồ tiêu cả nước năm 2014 là 125.000 – 130.000 tấn thì sang năm 2015, sản lượng tiêu sẽ tăng lên mức 170.000 – 180.000 tấn, đến năm 2020 ước tính sẽ vượt mức 200.000 tấn, do tình trạng “nhà nhà trồng tiêu” như hiện nay. “Trong khi diện tích hồ tiêu phát triển chóng mặt thì khoa học kỹ thuật, chính sách liên quan đến cây hồ tiêu của Nhà nước không theo kịp, dẫn tới hậu quả là phát triển nóng, rất dễ sụp đổ. Không chỉ vậy, hiện chưa có một bộ tiêu chuẩn nào cho việc trồng tiêu sạch để có thể phát triển bền vững ngành hàng này” - ông Bính nhấn mạnh.
Ông Đỗ Hà Nam cũng cho rằng, cây hồ tiêu đang âm thầm len lỏi vào những vườn cây công nghiệp khác của các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… Nhiều giám đốc nông trường cao su, cà phê yêu cầu được chặt bỏ cây trồng cũ để thay thế bằng cây tiêu. Do đó, áp lực tăng diện tích là rất lớn. Còn theo ông Lê Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giám định và Chứng nhận hàng hóa Việt Nam (VCC&C),trong năm 2014, tình trạng tồn dư thuốc BVTV trong tiêu xuất khẩu đã lên mức báo động đỏ. Số lượng lô hàng tiêu nhiễm dư lượng thuốc BVTV bị các nước nhập khẩu trả tăng mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX Lâm San (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) thì cho rằng, việc trồng tiêu sạch không khó nếu nông dân nắm vững các kiến thức liên quan đến vấn đề phòng trừ tổng hợp và dinh dưỡng cho đất. Theo đó, HTX này bắt đầu với diện tích rất nhỏ nhưng nay đã đạt được 1.200ha với khoảng 100ha trồng tiêu sạch cho năng suất khoảng 3,5 tấn/ha và đã có được hợp đồng xuất khẩu đi châu Âu.