Hiểm họa từ tôm giống nhập lậu TQ

Giống tôm nhập lậu từ Trung Quốc đều dễ bị dịch bệnh và do nhập lậu nên không hề có hồ sơ về nguồn gốc hay được kiểm dịch theo quy định.

Ngày 4.3, ông Phan Tuấn Cự - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống tỉnh Bình Thuận cho biết, đã có tờ trình lần 2 gửi các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm Công ty TNHH Việt Úc vì đã nhập lậu hàng chục ngàn con tôm thẻ chân trắng giống.

Đánh lận con đen

Theo tờ trình này, Công ty Việt Úc (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã trộn lẫn tôm nhập lậu với tôm có nguồn gốc xuất xứ để bán ra thị trường là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đánh lừa người tiêu dùng. Theo nhận định, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã quá lỏng lẻo để Công ty Việt Úc sai phạm trong thời gian dài mà không phát hiện. Hiệp hội Tôm giống tỉnh Bình Thuận cho rằng việc này có thể là nguyên nhân gây ra dịch bệnh kéo dài trong những năm qua đối với những hộ nuôi tôm thịt trên cả nước. Hành vi này gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng uy tín của thương hiệu tôm giống Bình Thuận.

Hiểm họa từ tôm giống nhập lậu TQ - 1

Thời gian vừa qua, người nuôi tôm ở ĐBSCL bị thiệt hại nặng vì con tôm. Ảnh minh họa.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, trước đó ngày 23.1, Thanh tra Thủy sản Bình Thuận đã kiểm tra các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng tại Công ty Việt Úc và phát hiện hơn 20.000 con tôm có trọng lượng từ 20-40g/con không có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra còn phát hiện thêm hơn 80.000 con tôm thẻ nhỏ khác và 8 hồ nuôi ấu trùng không có nguồn gốc, không có nhật ký theo dõi. Ngay sau đó, Sở NNPTNT Bình Thuận có văn bản yêu cầu Công ty Việt Úc ngừng ngay việc lưu giữ tất cả tôm thẻ chân trắng để ương nuôi thành tôm bố mẹ, giữ nguyên hiện trạng chờ xử lý.

Ông La Châu Trinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận cho biết, Hiệp hội Tôm giống đã nghi ngờ doanh nghiệp trên trộn lẫn tôm Trung Quốc để bán cho người nuôi nhưng ông khẳng định khó có thể xảy ra việc này. Theo ông Trinh, trước sự nghiêm trọng của vụ việc, thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ngày 5.2, Tổng cục Thủy sản đã đến kiểm tra tại Công ty Việt Úc.

Nghi vấn hồ sơ

Theo thông báo của Tổng cục Thủy sản thì Công ty Việt Úc đang lưu giữ 3 đàn tôm thẻ chân trắng nhập nội từ Mỹ, Singapore, Thái Lan và đang tiến hành lai chéo các quần đàn tôm nói trên. Tuy nhiên do Công ty Việt Úc chậm đăng ký triển khai việc lai chéo này với cơ quan quản lý có trách nhiệm, do đó trong khi chờ đợi được phê duyệt, Tổng cục Thủy sản yêu cầu Công ty Việt Úc không được phát tán, không được sử dụng các đàn tôm bố mẹ trên sản xuất ra tôm giống phục vụ mục đích kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, họ nghi ngờ kết quả này bởi ngày 23.1 khi đoàn thanh tra kiểm tra, Công ty Việt Úc đã không cung cấp được hồ sơ. Thế nhưng hai tuần sau, khi Tổng cục Thủy sản đến làm việc thì công ty này đã có hồ sơ vụ việc.

Công ty Việt Úc đã tiến hành nhập nội và gia hóa tôm bố mẹ thẻ chân trắng từ tháng 3.2011 đến nay nhưng vẫn chưa gửi đề cương cho Tổng cục Thủy sản phê duyệt, giám sát thực hiện.

Theo ông Cự, các thành viên trong hiệp hội đều tuân thủ theo các quy định của Bộ NNPTNT, nhập tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng, có chứng nhận kiểm dịch từ cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu và Cục Thú y. Cụ thể các hội viên đều nhập tôm từ Viện Hải dương học Hawaii (Hoa Kỳ) với giá 130USD/cặp tôm bố mẹ. Trong khi đó, tôm nhập lậu thường có nguồn gốc từ Hải Nam (Trung Quốc) có giá rất bèo chỉ từ 10-15USD/cặp.

Giống tôm nhập lậu từ Trung Quốc đều dễ bị dịch bệnh và do nhập lậu nên không hề có hồ sơ về nguồn gốc hay được kiểm dịch theo quy định. Trước tình hình tôm bị dịch bệnh trên diện rộng và nguyên nhân nghi vấn là do giống tôm ngoại lai nhập lậu xâm hại, các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng làm rõ để tránh thiệt hại đối với hàng ngàn hộ dân nuôi tôm thịt trên cả nước. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hảo Vọng - Cửu Long (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN