Hiểm họa từ thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), trên phạm vi cả nước vẫn đang diễn ra tình trạng nhập lậu ồ ạt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngoài danh mục cho phép, ảnh hưởng lớn đến thị trường thuốc BVTV cũng như công tác quản lý.
Loạn hoạt chất thuốc BVTV
Một khảo sát của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho thấy, hầu hết thuốc BVTV sử dụng ở Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trung bình, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu trên 70.000 tấn thành phẩm với giá trị từ 210 – 500 triệu USD, trong đó có tới trên 90% nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, hàng năm có từ 0,2 – 0,5% số thuốc BVTV nhập khẩu không đạt chất lượng theo quy định.
Việc nhập lậu thuốc BVTV tràn lan đang gây ảnh hưởng lớn đến thị trường thuốcBVTV trong nước (ảnh minh họa).
Báo cáo của Cục BVTV cũng cho hay, nếu trước năm 2003, lượng thuốc BVTV nhập khẩu vào Việt Nam không bao giờ vượt quá con số 40.000 tấn/năm, thì kể từ năm 2004 đến nay đã tăng gấp đôi, cá biệt như năm 2008, lượng thuốc BVTV nhập khẩu lên tới hơn 100.000 tấn. Trong số này, theo đánh giá, chỉ có khoảng 2.000 tấn là do các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV nhập nguyên liệu về, sau đó sang chai, đóng gói và xuất khẩu sang nước thứ 3, còn lại đều đổ hết xuống đồng ruộng nước ta.
Do số lượng thuốc BVTV nhập khẩu vào nước ta ngày càng lớn, nên đã dẫn tới tình trạng tràn lan sản phẩm BVTV nhái, không đạt chất lượng, chủ yếu diễn ra đối với các sản phẩm được pha chế từ hỗn hợp các hoạt chất đăng ký mới. Từ chỗ chỉ có 4 - 5 hoạt chất và hỗn hợp hoạt chất được đăng ký năm 1996, đến năm 2011, Việt Nam đã có 800 hoạt chất và các hỗn hợp hoạt chất được đăng ký nhập khẩu.
Phổ biến các loại thuốc không rõ nguồn gốc
Theo ước tính của Cục BVTV, hiện có khoảng hơn 1.100 loại thuốc với đủ mức giá đang được lưu hành, buôn bán trên thị trường nước ta. Để cạnh tranh thị phần, các nhà sản xuất đã sẵn sàng nhập nguyên liệu của những nước có giá thành thấp, chất lượng kém. Giá thành giữa các sản phẩm do đó chênh lệch rất lớn. Sau khi trải qua các khâu trung gian phân phối, từ nhà máy đến công ty, đại lý cấp 1, đại lý cấp 2, cấp 3… sản phẩm đến tay người nông dân đã không được đảm bảo cả về giá và chất lượng.
Theo thống kê của Cục BVTV, trên thị trường hiện có khoảng 22.000 cửa hàng buôn bán hóa chất BVTV. Tuy đây là mặt hàng hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nhưng có tới 20% cơ sở buôn bán hóa chất BVTV không có chứng chỉ, chủ yếu là các cửa hàng nhỏ, lẻ, ở vùng sâu vùng xa. |
Tại Hà Nội, theo Chi cục BVTV Hà Nội, chỉ qua kiểm tra tại 39 cửa hàng, công ty buôn bán thuốc BVTV, đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm về buôn bán thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc BVTV đã hết hạn sử dụng. Ngoài ra, qua kiểm tra cũng phát hiện 2 trường hợp sản xuất, sang chai, đóng gói thuốc BVTV không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Trên thực tế, những người buôn lậu vì lợi ích riêng, tìm mọi cách mua bán kinh doanh mặt hàng này, làm cho tình hình ngày càng trở nên phức tạp. Một thực tế đáng lo ngại, số thuốc nhập lậu tiểu ngạch qua các tỉnh biên giới rất lớn, nhất là biên giới phía Bắc, nhiều vụ đã bị cơ quan công an, hải quan bắt giữ.
Một chuyên gia trong ngành BVTV cho biết: “Hiện tượng nhập khẩu thuốc BVTV không đúng nguồn gốc như đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các công ty, kể cả các doanh nghiệp quốc doanh. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra sự lộn xộn về chất lượng thuốc BVTV đang tồn tại trên thị trường. Việc nhập lậu các loại thuốc BVTV (có cả thuốc giả, thuốc ngoài danh mục, thuốc hạn chế và thuốc cấm sử dụng...) vẫn còn phổ biến và chưa thể kiểm soát nổi. Ngoài tác động đối với môi trường và sức khỏe con người, các loại thuốc này còn gây ra những tổn thất kinh tế không nhỏ khi phải tiêu hủy chúng bằng nguồn kinh phí của Nhà nước”.