Hết thời đơn hàng nhỏ dưới 1 triệu đồng trốn thuế qua TikTok, Shopee, Lazada

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lượng lớn hàng nhập khẩu xé lẻ từng đơn giá giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng bán qua các sàn thương mại điện tử hoặc qua đường bưu điện vào Việt Nam để né thuế. 

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội mới đây đề nghị thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng nhập khẩu được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử TikTok, Shopee, Lazada, Tiki… có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.

Nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình với đề xuất này vì hiện nay nhiều cá nhân kinh doanh hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam lợi dụng chính sách miễn thuế với hàng có giá trị nhỏ để trốn thuế. Họ sẽ chia nhỏ các đơn hàng nhập khẩu bán qua sàn thương mại điện tử, hoặc khai hàng quà tặng… để được miễn thuế.

Hàng nhập xé lẻ bán qua sàn, “núp bóng” quà tặng để trốn thuế

Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia thuế cho rằng, trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển như hiện nay thì cần phải quản lý và thu thuế tất cả những mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài bán vào Việt Nam qua bất cứ hình thức nào.

Hiện nay, quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, hàng biên mậu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế VAT theo Nghị định 134/2016 hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo quyết định 78/2010 của Chính phủ quy định miễn thuế VAT gắn với miễn thuế nhập khẩu cho hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu, đồng thời với việc miễn thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng nhập khẩu chuyển về qua phương thức chuyển phát nhanh được xé lẻ, chia nhỏ đơn hàng để mỗi đơn hàng có giá trị từ một triệu đồng trở xuống được miễn thuế. Nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam đã lợi dụng chuyển phát nhanh chuyển qua các sàn thương mại điện tử.

Trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển như hiện nay thì cần phải quản lý và thu thuế tất cả những mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài bán vào Việt Nam qua bất cứ hình thức nào. Ảnh minh họa: THU HÀ

Trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển như hiện nay thì cần phải quản lý và thu thuế tất cả những mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài bán vào Việt Nam qua bất cứ hình thức nào. Ảnh minh họa: THU HÀ

Điển hình như hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, người tiêu dùng chỉ cần đặt trực tiếp từng món hàng giá trị nhỏ chỉ vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng trên các sàn thương mại điện tử, chỉ trong 1-2 ngày là họ đã nhận được như mua hàng trong nước. Theo ông Sơn, nếu những món hàng nhập khẩu này xé nhỏ giá trị thì không phải nộp đồng thuế nào, cạnh tranh rất lớn với các mặt hàng trong nước phải nộp thuế đầy đủ.

“Bùng nổ thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Vì vậy, việc áp dụng thuế VAT cho tất cả những đơn hàng có giá trị nhỏ là cần thiết để tránh thất thu ngân sách, tạo được sự công bằng trong kinh doanh”- chuyên gia Nguyễn Thái Sơn góp ý.

Thạc sỹ Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, theo quy định hiện nay, hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng dạng quà tặng sẽ được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khi vào Việt Nam. Tuy nhiên, đối với trường hợp những người bán hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam, đa số họ lách luật. Cụ thể là họ khai những hàng hoá giao dịch thương mại thành hàng quà tặng khi khai thuế với cơ quan hải quan Việt Nam.

Thứ hai, với hàng hóa bán qua sàn thương mại xuyên biên giới, bản chất của hàng nhập khẩu này là giao dịch thương mại chứ không phải là quà tặng. Nếu không phải tặng quà cho nhau mà là hoạt động kinh doanh bán hàng và phải nộp thuế.

Theo thông lệ quốc tế thì hàng hóa là quà tặng sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, bản chất của những giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ này lại là kinh doanh bán hàng, họ lợi dụng lỗ hổng chính sách để trốn thuế.

- Ông Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

"Như vậy, đây là câu chuyện quản lý giao dịch thương mại, chống thất thu thuế. Hàng hoá giao dịch trên sàn thương mại điện tử là phải thu thuế và không để tình trạng người kinh doanh họ kê khai là hàng quà tặng có giá trị nhỏ nên được miễn thuế" - ông Nguyễn Bình Minh góp ý.

Bài toán quản lý thu thuế

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, phải quản lý và thu thuế với các mặt hàng nhập khẩu qua đường bưu điện lẫn các hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện như TikTok, Shopee, Lazada, Tiki…

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, khi có sửa đổi quy định, ngành thuế và hải quan sẽ triển khai các biện pháp để thực hiện quản lý chặt đối với các hàng nhỏ lẻ. Vì đối với các hàng hóa có giá trị nhỏ lại là hàng nhập khẩu thì số lượng, loại hàng hóa rất lớn.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa góp ý cơ quan thuế cần nắm thông tin những những cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử này khi đó sẽ thu thuế theo dạng cá nhân kinh doanh. Như vậy, cơ quan thuế, hải quan giảm bớt áp lực về kiểm tra, quản lý thu thuế số lượng lớn hàng hóa nhỏ lẻ từ nước ngoài về Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng việc áp dụng thuế VAT cho tất cả những đơn hàng có giá trị nhỏ là cần thiết để tránh thất thu ngân sách, tạo được sự công bằng trong kinh doanh. Ảnh: THU HÀ

Các chuyên gia cho rằng việc áp dụng thuế VAT cho tất cả những đơn hàng có giá trị nhỏ là cần thiết để tránh thất thu ngân sách, tạo được sự công bằng trong kinh doanh. Ảnh: THU HÀ

“Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử, chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cần được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử”- LS Nghĩa chia sẻ.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng với thủ tục hải quan điện tử, đơn giản thủ tục hải quan thì hàng hóa giá trị nhỏ vẫn có thể thu thuế được. Tuy nhiên, cơ quan hải quan và thuế phải tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu, ứng dụng dữ liệu điện tử để quản lý thuế. Tất cả hàng hóa, dù giá trị nhỏ mà thực hiện qua tất cả các kênh kể cả chuyển phát nhanh hay qua các sàn thương mại điện tử đều phải kê khai nộp thuế bình thường.

Lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Ảnh: THU HÀ

Lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Ảnh: THU HÀ

Khi đó, các sàn thương mại điện tử phải công bố mã số thuế, mặt hàng, các giấy tờ liên quan của những cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn cho cơ quan thuế theo định kỳ thì phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ mà mình cho bán sản phẩm đó. Như hàng hóa nhập từ đâu, hàng hóa là hàng chính ngạch hay hàng nhập lậu, chất lượng hàng hóa nhãn hàng như thế nào… lúc đó mới đảm bảo tránh tình trạng kê khai gian lận để trốn thuế.

Mỗi ngày có tới 5 triệu đơn hàng nhỏ từ Trung Quốc vào Việt Nam

Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3-2023, có trung bình 4-5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng.

Hằng ngày trung bình có 45-63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 -1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Mỗi ngày 4-5 triệu đơn dưới một triệu đồng từ Trung Quốc về Việt Nam qua Shopee, Tiktok... nên cần đánh thuế VAT để "bao quát nguồn thu", theo Ủy ban Tài chính ngân sách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG HUY - THU HÀ ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN