Hết sốt giá trứng gà

Trứng gia cầm đã hạ nhiệt nhưng giá vẫn ở mức cao do nhu cầu tiêu thụ tăng trong dịp tết.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNN) cho biết, các đây một tuần giá trứng gà tăng đột biến (từ 2.400 – 2.900 đồng/quả) nhưng mấy hôm nay gần đây theo thống kê giá trứng đã quay đầu giảm. Hiện giá trứng chỉ từ 2.100 – 2.300 đồng/quả. Đây là hợp lý, người dân có thể chấp nhận được còn người chăn nuôi thì vẫn có lãi.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng, cuối năm các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo sử dụng đến trứng nhiều nên năm nào cũng vậy, một tháng trước Tết giá sẽ tăng còn từ giờ tới Tết bảo đảm trứng gia cầm sẽ ổn định về giá.

Ông Sơn cho biết thêm, sau gần 10 năm, đây là năm 3 không (không cúm gia cầm, không lở mồm long móng, không dịch tai xanh) vào những ngày cận kề Tết. Với thuận lợi này, giá cả thực phẩm tết nếu có tăng cũng tăng vừa phải, không có đột biến lớn, hiện gà lông trắng xuất chuồng có giá từ 33.000 – 35.000 đồng/kg, gà màu giá 38.000 đồng/kg, lợn 42.000 – 45.000 đồng/kg, trứng 21.000 – 22.000 đồng/chục, giá đó tôi cho là hợp lý nhưng mối nguy cơ chính từ biên giới về”.

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ vào những tháng tết trên địa bàn thành phố sẽ tăng khoảng 18– 20%. Riêng với các mặt hàng như: thực phẩm tươi sống, rau củ, thực phẩm đã qua chế biến có thể tăng từ 15 – 20%.

Hết sốt giá trứng gà - 1

Hiện giá trứng chỉ từ 2.100 – 2.300 đồng/quả. Đây là hợp lý, người dân có thể chấp nhận được còn người chăn nuôi thì vẫn có lãi.

Theo Sở Công thương Hà Nội, nhu cầu một số hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân Hà Nội trong vòng một tháng (trước, trong và sau Tết) sẽ tăng hơn. Cụ thể, gạo 65.000 tấn, thịt lợn hơi 10.000 tấn, thịt vịt gà khoảng 3.500 tấn, rau củ quả tươi ước cần khoảng 75.000 tấn…

Trong đó, thành phố Hà Nội đang chủ động tự cung tự cấp phần lớn lượng hàng trong phục vụ nhu cầu dịp tết như: thịt gà hơn 2.000 tấn (chiếm 62%), trứng gia cầm khoảng 29 triệu quả (chiếm 39%), rau củ quả khoảng 40.000 tấn (chiếm 55%)… Các mặt hàng truyền thống như bánh kéo, mứt, bia rượu cũng được các doanh nghiệp sản xuất với số lượng lớn đảm bảo nguồn cung dịp Tết.

Thành phố Hà Nội sẽ mở thêm khoảng 200 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó có 5 siêu thị và 50 cửa hàng tiện ích. Các điểm bán hàng này sẽ tập trung tại các khu vực là các quận, huyện vùng ven, các khu đông dân cư ngoại thành, các khu chế xuất, khu công nghiệp, chợ truyền thống để tăng nguồn cung hàng bình ổn.

Theo như kế hoạch, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức 9 phiên chợ Tết, các doanh nghiệp sẽ thực hiện trên 100 chuyến bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo đó, hoạt động bán hàng Tết như kế hoạch trên tập trung vào thời gian giáp Tết dự kiến bắt đầu từ ngày 1 tới ngày 5/2/2013 (tức thời gian từ 21-25 tháng 12 âm lịch). Đồng thời, những ngày giáp Tết Nguyên đán, các điểm bán hàng sẽ tăng thời gian phục vụ, giờ mở cửa kết thúc muộn hơn ngày thường. Đặc biệt, riêng ngày 29 Tết âm lịch sẽ mở cửa đến 22 giờ để phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Hân (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN