Heo đắt thì chuyển sang ăn gà khác nào bảo gạo tăng giá thì đừng ăn cơm...

Giải pháp “heo đắt thì chuyển sang ăn thịt gà”, ăn mì tôm, ăn hạt điều, hạt mắc ca”…

Heo quá đắt thì chuyển sang ăn thịt gà khác nào bảo gạo tăng giá thì đừng ăn cơm nữa.... (ảnh minh họa)

Heo quá đắt thì chuyển sang ăn thịt gà khác nào bảo gạo tăng giá thì đừng ăn cơm nữa.... (ảnh minh họa)

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nói giá tăng do cung - cầu thịt heo chưa gặp nhau. Để giảm giá thịt heo, ông nhắc tới ba giải pháp: đẩy nhanh tái đàn, đa dạng rổ thực phẩm ngoài thịt heo và rà soát tình trạng đẩy giá thịt heo ở khâu thương lái, phân phối.

"Chúng ta không nên chỉ tập trung ăn thịt heo, mà cần đa dạng hoá các loại thực phẩm khác khi giá mặt hàng này quá cao, như thịt gà, cá, tôm, trứng... Ăn những loại này cũng đều rất tốt. Cần san sẻ rổ thực phẩm vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể", ông Cường nói.

Giải pháp trên của ông Cường ngay lập tức gặp phải phản ứng không chỉ đối với các đại biểu có mặt tại nghị trường mà nhiều người dân cũng không đồng tình.

Chia sẻ với phóng viên, đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) cho biết, dù rất chia sẻ những khó khăn của ngành nông nghiệp, đó là dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ cuối năm 2018. Nhưng "những giải pháp Bộ trưởng nêu ra thì tôi chưa đồng tình”.

“Đồng ý là quy luật cung-cầu, cung thì thiếu, cầu lại nhiều. Giải pháp đưa ra không thể nói là thịt heo đắt quá thì mình chuyển sang ăn thịt gà, trứng gà hay là các thịt khác”, ĐB Thái Trường Giang nói.

Ông cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường “xem lại giải pháp của mình”. Bởi qua theo dõi, vị đại biểu tỉnh Cà Mau thấy “các hộ chăn nuôi hầu như đều nuôi gia công cho các doanh nghiệp, họ chỉ thu được tiền công 4.000đ/kg thịt heo. Trong thời điểm dịch bệnh, người nuôi gặp khó khăn thì họ lại không có được lợi nhiều, còn người tiêu dùng thì phải mua thịt giá cao. Tư thương, các doanh nghiệp lãi lớn, làm cho giá thịt heo không giảm”.

Nghe thông tin này, chị Nguyễn Thu Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) đưa ra nhận xét, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vốn có những phát ngôn “để đời” như: "Resort bịt đường ra biển, sao lại hỏi ông Bộ Nông nghiệp?; Thế giới có 7 tỉ người, mỗi người ăn một cân tôm là 7 triệu tấn. Trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn, rõ ràng chỗ này còn rất lớn…", và mới đây nhất lại phát ngôn "heo đắt quá thì chuyển sang ăn thịt gà".

“Những bà nội trợ như chúng tôi cần nhất là giải pháp nào để kéo giá tiêu dùng xuống, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Chúng tôi rất chia sẻ thực tế nguồn cung không có thì giá thành tăng, nhưng không thể khuyên chúng tôi: thịt đắt thì chuyển sang ăn gà. Vì có phải ai cũng ăn được thịt gà? Bao đời nay, thịt lợn vẫn là món ăn phổ biến trong từng gia đình. Mà nhiều tháng qua, thịt lợn đã trở thành món ăn “dè” trong mỗi bữa cơm.

Chúng tôi cần, thay vì thi thoảng lại phải “giải cứu” hộ bà con nông dân khi thì dưa hấu, lúc khoai lang thậm chí có lần là…thịt lợn là những giải pháp căn cơ, vừa giúp bà con nông dân có cuộc sống ổn định cũng không khiến người tiêu dùng như chúng tôi bị rút “hầu bao” một cách trầm trọng”, chị Trang bức xúc nói.

Tượng tự, một độc giả cũng bày tỏ sự hài hước trước đề xuất “không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn”  khi anh này  cho rằng nói thế khác nào “điện tăng giá thì rút cầu chì đi, dùng nến, dùng đèn dầu. Gạo tăng giá thì đừng ăn cơm nữa, ăn mì tôm, ăn hạt điều, hạt mắc ca!  Xăng tăng giá thì vứt xe đi, đi bộ cho khoẻ chân, mua xe điện mà đi, hay chơi xe đạp cho cuộc sống nó gần gũi với thiên nhiên...”.

Giá thịt lợn cao 'ngất ngưởng': Có dấu hiệu độc quyền nhóm?

Lãnh đạo Bộ NN&PTNN cho rằng giá lợn cao suốt thời gian dài vừa qua bởi nguồn cung chưa đủ. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N. Huyền  ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN