Heo có “chứng minh thư”

Sắp tới, TP HCM sẽ thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin tại 2 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và 5 chợ lẻ loại 1 là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông.

Công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo do Hội Công nghệ cao TP HCM nghiên cứu sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Quản lý bằng mã QR

Theo đó, thịt heo đến người tiêu dùng sẽ mang đầy đủ thông tin từ trại nuôi, cán bộ kiểm dịch...qua con tem. Trước đó, heo xuất chuồng được đeo 2 vòng nhận diện có khắc mã QR (mã vạch hai chiều) trên dây niêm phong có chốt bằng thép, chống giả mạo và không thể tháo lắp. Mã trên vòng nhận diện khi được trang trại kích hoạt sẽ chứa thông tin về nơi nuôi. Mỗi công đoạn sau đó đều được chủ hàng hay cơ quan quản lý bổ sung thông tin lên vòng nhận diện. Ở công đoạn cuối cùng, tiểu thương trước khi bán cho người tiêu dùng sẽ “dán tem điện tử” lên sản phẩm giúp người tiêu dùng biết mua thịt của ai, nuôi ở đâu, được giết mổ lúc nào... Người tiêu dùng còn có thể kiểm tra nguồn gốc thịt bằng ứng dụng miễn phí TE-FOOD qua smartphone, máy kiểm tra tại chợ hay trên webite www.te-food.com.

Theo Hội Công nghệ cao TP HCM, vòng nhận diện như “chứng minh thư” cho heo, không thể cấp trùng hay giả mạo.

Tiến tới giết mổ công nghiệp

Công nghệ truy xuất nguồn gốc là một phần của dự án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm” do UBND TP HCM giao cho Sở Công Thương thực hiện giai đoạn 2016-2020. Hiện Sở Công Thương đã làm việc với các tỉnh, cơ sở giết mổ và trong tuần này sẽ làm việc với các thương lái nhằm phổ biến, vận động tham gia chương trình. Theo Sở Công Thương, đây không phải là chương trình bắt buộc mà chủ yếu vận động các thành viên trong chuỗi cung ứng thịt heo tham gia để tiến đến kiểm soát chặt an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi bàn ăn của người dân. Nếu thành công sẽ mở rộng ra các mặt hàng khác như thịt gà, rau củ quả... Đã có 12 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia chương trình. UBND TP HCM sẽ hỗ trợ ban đầu, cấp tiền xây dựng hệ thống và mua máy móc, thiết bị... để làm thí điểm tại 2 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và 5 chợ lẻ loại 1 là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông.

Heo có “chứng minh thư” - 1

Sắp tới, TP HCM thí điểm quản lý thịt heo bằng công nghệ thông tin Ảnh: Tấn Thạnh

Nhận định việc triển khai truy xuất nguồn gốc thịt heo là tích cực, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), cho rằng nếu kiểm soát chặt cộng với ý thức của người sản xuất và kinh doanh thì sẽ kiểm soát được nguồn gốc thịt heo. Tổng chi phí áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho một con heo chỉ 9.800 đồng, không ảnh hưởng nhiều đến giá bán. Tuy nhiên, ông Mười lo ngại tình trạng quản lý và sản xuất chưa đồng bộ sẽ gây ra nhiều rắc rối. “Việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm chưa chặt. Người tiêu dùng mua thịt heo thường tin tưởng vào thương hiệu và sẽ không có điều kiện tham chiếu, kiểm tra mã sản phẩm. Phải giải quyết căn cơ bài toán này bằng cách định hướng giết mổ công nghiệp tập trung, giao trách nhiệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp, người tiêu dùng chỉ kiểm tra khi nào nghi ngờ” - ông Mười đề xuất.

Ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc HTX Tân Hiệp (chủ đầu tư nhà máy giết mổ heo công nghiệp tại huyện Hóc Môn), cho rằng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo phải gắn với quy hoạch giết mổ công nghiệp. Còn với hiện trạng kinh doanh, giết mổ, chăn nuôi như hiện nay thì chưa thể làm được điều này. Cụ thể, khâu chăn nuôi phải đạt chuẩn trang trại VietGap hoặc tương đương, nhà máy giết mổ phải đạt chuẩn HACCP, thịt sau giết mổ phải được đóng gói tại nhà máy thì mới bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc bằng các ứng dụng hiện đại.

Cần phối hợp với các tỉnh

Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP HCM, ủng hộ chủ trương truy xuất nguồn gốc thịt heo nhưng cho rằng cần quan tâm đến thực trạng kinh doanh thực phẩm tại TP để có giải pháp kỹ thuật phù hợp.

TP HCM mỗi ngày tiêu thụ từ 10.000-10.500 con heo nhưng nguồn nuôi trên địa bàn chỉ chiếm 18%-20%, còn lại từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... Nguồn heo giết mổ tại TP HCM được kiểm soát từ 7.300-7.500 con/đêm, còn lại giết mổ từ tỉnh rồi đưa về chợ Bình Điền. Do vậy, để việc truy xuất đạt hiệu quả, cần sự đồng thuận của các tỉnh cung cấp hàng.

Theo ông Phát, lượng giao dịch heo tại 2 chợ đầu mối hằng đêm là rất lớn, 4.300-4.500 lượt tại chợ Hóc Môn và 2.300-2.400 lượt tại chợ Bình Điền. Toàn bộ giao dịch chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, từ 0 giờ đến 6 giờ nên tiểu thương không dễ thực hiện thêm thao tác nhập dữ liệu. Tại chợ sỉ, ngoài hình thức bán heo mảnh (còn đeo vòng nhận diện), tiểu thương còn bán theo món sau khi pha lóc (nạc, đùi, sườn...). Cách bán hàng này sẽ khó quản vì đã mất dấu nhận diện.

Giám sát chuỗi thực phẩm sạch

Ngày 25-7, Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức giám sát chuỗi thực phẩm an toàn của Công ty TNHH Ba Huân từ trang trại (Bình Dương) đến nhà máy chế biến thực phẩm (Long An), nhà máy xử lý trứng (TP HCM) với sự tham của các sở, ngành TP.

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng để người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt, trước hết doanh nghiệp phải sản xuất tốt, nâng cao chất lượng.

Đại diện Công ty TNHH Ba Huân cho biết với sự đầu tư bài bản, khép kín cùng công nghệ hiện đại nhập từ Mỹ, châu Âu, sản phẩm của doanh nghiệp bảo đảm chất lượng, đủ sức cạnh tranh khi hội nhập.

Theo Ban Quản lý đề án Chuỗi thực phẩm an toàn TP HCM, lĩnh vực chăn nuôi hiện có 10 DN đủ điều kiện tham gia chuỗi tại TP và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước với sản lượng mỗi ngày khoảng 1,1 triệu quả trứng gà, 24.350 con gà thịt và 915 con heo. Đây là những sản phẩm đã kiểm soát được từ chăn nuôi (con giống, thức ăn, chuồng trại) đến sơ chế, xử lý, giết mổ, kinh doanh.

Quản lý từ con giống tới bàn ăn

UBND TP HCM đang giao Sở CôngThương lập đề án phân công trách nhiệm các sở, ngành trong việc kiểm tra, giám sát việc quản lý nguồn gốc thịt heo. Mục tiêu là nhằm hướng tới quản lý thịt heo từ con giống tới bàn ăn. Việc thực hiện sẽ có 2 giai đoạn: giai đoạn 1 quản lý từ trang trại tới bàn ăn. Theo đó, sẽ quản lý từ chuồng trại đến lò giết mổ - chợ đầu mối - chợ bán lẻ - siêu thị - người tiêu dùng. Giai đoạn 2 sẽ quản lý từ con giống tới bàn ăn.

Ngày 1-12 sẽ thử nghiệm chương trình, đến ngày 1-1-2017 sẽ thực hiện giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ triển khai song song với giai đoạn 1.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân - Ngọc Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN