Hé lộ đối thủ mới của sầu riêng Việt tại Trung Quốc

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sầu riêng tươi Malaysia vừa chính thức có "visa" xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Với ưu thế sở hữu thương hiệu "vua sầu riêng" nổi tiếng, cuộc đưa giành thị phần tại thị trường 1,4 tỷ dân ngày càng trở nên gay gắt.

Thông tin với PV Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, Malaysia và Trung Quốc vừa ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng.

Theo đó, bắt đầu từ cuối tháng 6, sầu riêng tươi của Malaysia chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, làm tăng sức nóng cạnh tranh trên thị trường 1,4 tỷ dân do trước đây, chỉ có 3 nước được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường này là Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Theo ông Nguyên, đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới với sức tiêu thụ có thể “bao” hết cả sản lượng sầu riêng tại các quốc gia ở Đông Nam Á.

Sầu riêng Việt cần chiến lược phát triển bền vững sau thời gian tăng nóng.

Sầu riêng Việt cần chiến lược phát triển bền vững sau thời gian tăng nóng.

Phân tích về lợi thế của sầu riêng Malaysia, ông Nguyên cho biết tuy sản lượng sầu riêng của nước này thấp hơn Thái Lan và Việt Nam, song Malaysia có lợi thế về các giống sầu riêng chất lượng cao. Điển hình là giống sầu riêng Musang King khi đây được xem là loại sầu riêng ngon nhất thế giới nhờ mùi thơm nồng nàn và cơm màu vàng óng. Giá loại sầu riêng này cũng thường rất cao, gấp 4-5 lần so với sầu riêng cơm của Việt Nam.

“Hiện đa số các trang trại sầu riêng ở Malaysia đều trồng các giống đặc sản tương tự như Musang King. Sầu riêng của Malaysia xuất sang Trung Quốc sẽ nhắm vào phân khúc cao cấp, với thương hiệu vượt trội hơn các nước còn lại, trong khi sầu Việt nhắm vào ở phân khúc bình dân”, ông Nguyên nói.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, lợi thế lớn nhất của sầu riêng Việt Nam là thu hoạch quanh năm, mùa nào cũng có hàng để xuất khẩu. Trong khi đó, sầu riêng của Malaysia, Thái Lan và Philippines chỉ kéo dài vài tháng giữa năm. Đồng thời, Việt Nam có lợi thế ở vị trí địa lý khi là quốc gia gần Trung Quốc nhất.

“Cuộc đua cạnh tranh thị phần sầu riêng ở Trung Quốc đang rất quyết liệt. Sau khi sầu riêng Việt vào thị trường Trung Quốc, Thái Lan đang tập trung vào việc nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm. Họ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sầu riêng xuất khẩu không đạt chuẩn, và cả bộ máy vào cuộc để bảo vệ ngành hàng. Với sự xuất hiện sầu riêng Malaysia đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược phát triển bền vững mặt hàng tỷ USD này, bởi thời gian qua chúng ta phát triển quá nóng nên xảy ra những lộn xộn nhất định trên thị trường”, ông Nguyên nói.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, sầu riêng Việt Nam chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi mà quốc gia này nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Thái Lan giảm còn 60% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.

Sầu riêng là quả tỷ USD của Việt Nam đang bước vào chính vụ thu hoạch với sản lượng cả triệu tấn. Thế nhưng, mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh mới là Malaysia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Phong ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN