Hé lộ các chiêu trò "móc túi" khách hàng của nhân viên đại lý ô tô

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khi mua xe, không ít khách hàng được mời chào rất nhiều khoản chi, tuy nhiên người mua xe cần cân nhắc xem có cần thiết hay không.

Lần đầu mua xe, không ít khách hàng bị các đại lý "mồi chài mua bia kèm lạc" để kiếm thêm lợi nhuận

Lần đầu mua xe, không ít khách hàng bị các đại lý "mồi chài mua bia kèm lạc" để kiếm thêm lợi nhuận

Mua thêm phụ kiện, option để được giao xe sớm

Đây là hình thức khá phổ biến hiện nay, theo đó, các nhân viên bán hàng của đại lý sẽ mời chào, tư vấn các khách hàng nên mua gói phụ kiện hoặc option thêm cho xe để được giao xe sớm hơn.

Tuy nhiên, đây chỉ là các gói phụ kiện "có cũng được mà không có cũng chẳng sao" nhưng vì muốn được nhận xe sớm, nhiều khách hàng vẫn đồng ý, khiến giá xe bỗng bị "đội" lên hàng chục đến cả trăm triệu đồng.

Thông thường, chiêu trò này xảy ra ở các mẫu xe mới ra mắt đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng, bên cạnh đó, nguồn cung hạn chế, khách hàng phải chờ đợi để nhận xe.

Điển hình như, mới đây, các khách hàng mua xe Toyota Corolla Cross đã tố bị đại lý ép mua thêm các phụ kiện như: dán kính, trải sàn, camera 360 độ, camera hành trình, bậc lên xuống,...có giá trị từ 30 -70 triệu đồng.

Thực tế, khách hàng hoàn toàn có thể từ chối các lời chào mời này bằng việc kiên nhẫn chờ đến khi nguồn cung ổn định để nhận xe, hoặc phản ánh thẳng lên hãng xe, tìm các đại lý bán xe tốt hơn, thậm chí, không mua xe nữa và chọn một sản phẩm khác tốt hơn cả về chất lượng và dịch vụ.

Mời chào mua gói chăm sóc bảo dưỡng để tối đa lợi nhuận

Bên cạnh việc mời chào mua các gói phụ kiện, khách hàng cũng được nhiều đại lý mời mua gói chăm sóc bảo dưỡng xe hoặc bảo hiểm vật chất xe mà các đại lý liên kết để ràng buộc người mua chăm sóc xe ở các trung tâm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa của mình nhằm tối đa lợi nhuận.

Trường hợp này, khách hàng cần tỉnh táo, nếu khách hàng nhận thấy dịch vụ sửa chữa của đại lý uy tín, gần nơi sinh sống và gói bảo hiểm vật chất giá ổn, doanh nghiệp bảo hiểm uy tín có thể đồng ý. Nếu không, hoàn toàn từ chối được mà không có gì làm ảnh hưởng đến việc giao, nhận xe.

Nâng khống giá phụ kiện

Một số đại lý có chương trình ưu đãi giảm giá xe cho khách hàng lên đến cả trăm triệu bằng cách tặng các gói phụ kiện, chứ không trừ trực tiếp vào giá xe.

Tuy nhiên, thực tế, các phụ kiện này đã được nâng khống giá trị lên cả chục triệu đồng so với giá trị thật, tạo cho khách hàng "lợi ảo" khi nghĩ rằng đang được mua xe với giá hời.

Theo một số nhân viên tư vấn bán hàng, những gói phụ kiện được đại lý tặng thường có giá trị và chất lượng không cao và được áp dụng nhằm đánh vào tâm lý thích được khuyến mại, tặng quà khi mua xe của khách hàng.

Tận dụng phụ kiện của khách cũ bán cho khách mới

Đây là chiêu trò không mấy xa lạ tại các đại lý ô tô. Có một số phụ kiện trên xe khách hàng không thích hoặc không cần nên không nhận và cũng không được giảm giá tiền sẽ được đại lý giữ lại và bán lại cho khách hàng mới cần với giá cả chục triệu đồng.

Ví dụ như thanh nẹp phía sau của xe bán tải với các chủ xe muốn lắp thêm thùng xe sẽ không cần và để lại, sau đó, đại lý sẽ bán cho người khác có nhu cầu để tăng thêm lợi nhuận.

Tung tin ảo về hiện tượng khan hàng

Đây là chiêu trò hết sức tinh vi của hãng xe, đại lý xe nhằm đẩy hàng tồn kho, kích thích doanh số xe.

Theo đó, một số mẫu xe còn tồn kho nhiều, tuy nhiên, đại lý đã tung ra thông tin ảo về việc xe cháy hàng, khan hàng để kích thích tâm lý khách hàng mua đặt cọc. Hoặc thu hút khách hàng tìm hiểu về sản phẩm do hiếu kỳ tại sao mẫu xe này lại nhanh hết hàng, khan hàng đến thế. Ngoài ra, chiêu trò này còn đánh trúng tâm lý "đua theo số đông" của khách Việt khiến nhiều người quyết định mua mẫu xe này chỉ vì "thấy nhiều người mua" từ đó, giúp đẩy hàng tồn, tăng doanh số xe của hãng xe, đại lý xe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiểu Lam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN