Hậu giải cứu lợn: Không phải cứ chăn nuôi lợn giỏi là thắng
Gần 1 tháng nay, ngày nào bà Phạm Thị Hoa ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cũng tự xẻ thịt từng con lợn nái, đem ra chợ Dốc Mơ bán với giá bình quân chỉ 30.000 đồng/kg.
Trước đó, nhằm mở rộng quy mô nuôi hơn 50 con mỗi lứa, một dãy chuồng trại mới từ vốn liếng tích cóp hơn 20 năm của bà được hoàn thành. Nhưng “bão” rớt giá lướt qua, bà không dám mua lợn mới về tái đàn. Có người hỏi thuê nuôi, bà cũng nói không nốt vì lo lắng các tàn dư dịch bệnh gây hại cho lợn của mình sau này.
Cám cảnh với người chăn nuôi lợn.
Nhìn cảnh bà Hoa ngày ngày ra chợ bán thịt, người quen thấy cám cảnh, mỗi người một ít, mua giúp bà cũng khá nhiều. Bà đang tự cứu mình theo cách riêng: Chủ động tiêu thụ lợn tại thị trường địa phương, tự bán hàng, tự ra giá, tự thu tiền. Bà Hoa chính là một điển hình của hàng chục ngàn nông hộ chăn nuôi trên cả nước hiện nay đang gồng mình vượt qua khủng hoảng.
Cơn khủng hoảng lần này chỉ rõ không phải cứ chăn nuôi giỏi là sẽ thắng. Khi không có kế hoạch sản xuất ổn định, không dự báo được thị trường, không có cả hệ thống dự phòng rủi ro, việc chạy đua chăn nuôi lợn theo cái lợi trước mắt chẳng khác nào chơi đánh cược.
Ngành chăn nuôi lợn sau nhiều năm tương đối yên ổn giờ hứng trọn cú sốc rớt giá mạnh, kéo dài, quy mô rộng trên cả nước. Có thể coi đây là bài học khắc nghiệt của kinh tế thị trường dành cho người chăn nuôi, điều không mới với nông dân trồng trọt.
Từ đây, chính người nuôi lợn sẽ phải nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và quyết định đầu tư chăn nuôi của mình trong tương lai. Thị trường vốn là nơi luôn có những cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, không phải ai cũng thắng.
Chuyện con lợn rớt giá tạo ra một cơn khủng hoảng không chỉ cho nông dân, doanh nghiệp mà còn tác động dây chuyền tới ngành nông nghiệp ở các địa phương lẫn Trung ương.
“Giải cứu lợn” bỗng thành chuyện dài nhiều tập, có tính chất thời sự, có nội dung phong phú, ở mỗi địa phương mỗi kiểu khi cấp bộ ngành phát động phong trào hỗ trợ ngành chăn nuôi.
Với tư cách là tỉnh có tổng đàn lợn lớn nhất nước, Đồng Nai đang nắm giữ một lực lượng chăn nuôi đông đảo, có truyền thống, có kinh nghiệm cùng một hệ thống chuồng trại tập trung. Nhưng việc tỉnh này gặp lúng túng trong khâu tiêu thụ khi ở ngay kế bên thị trường tiêu thụ lớn nhất nước – TP.HCM, là điều không thể chấp nhận trong tương lai… Một kênh tiêu thụ riêng cho đàn lợn Đồng Nai là cần thiết để ứng phó cho những bất trắc như cơn biến động giá vừa rồi.