Hậu giải cứu giá lợn: Người chăn nuôi vẫn lỗ
Thua lỗ, nợ nần, bán trại chăn nuôi hoặc nuôi cầm chừng… Đó là cơn bĩ cực của nhiều hộ chăn nuôi tại vựa lợn lớn nhất tỉnh Hưng Yên.
Treo chuồng
Những ngày này, nhiều hộ chăn nuôi ở thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang) - thủ phủ chăn nuôi lợn thuộc diện lớn nhất nhì tỉnh Hưng Yên cũng như khu vực miền Bắc “ngồi trên lửa” bởi giá lợn hơi xuống thấp nhất trong lịch sử.
Anh Đỗ Quốc Gia, thôn Đan Nhiễm (thị trấn Văn Giang) dẫn chúng tôi xem trang trại hơn 600 con khá sạch sẽ. Gần nửa số lợn này đến giai đoạn xuất chuồng. “Kêu gọi giải cứu nhưng chúng tôi chưa thấy tác động gì. Từ khi nuôi lợn đến nay, chưa bao giờ giá lợn thấp thế. Đến cả mối lò mổ thân thuộc lâu nay họ cũng lắc đầu không bắt. Còn cánh lái lợn, nhấp nhổm hóng tin bên Trung Quốc rồi về ép giá nông dân, nhiều nhà phải bán tháo 15-16 nghìn đồng/kg”- anh Gia nói.
So với nhiều chủ trang trại thua lỗ nặng trong vùng, anh Đỗ Văn Đại (thôn Đan Nhiễm) người bán cả trại lợn “dại mà hóa khôn”. Thấy không còn lực để vực khi giá lợn xuống thấp, anh Đại bán luôn cả trại để “cắt lỗ”. Lúc anh Đại bán, trại có hơn 500 con lợn các loại, giá lúc đó vẫn 24 nghìn đồng/kg. “Vì hốt quá, nên phải bán, nhưng hóa ra còn may, vì sau đó giá lợn tụt xuống 15 nghìn đồng/kg”- anh Đại nói.
Anh Đỗ Quốc Gia, thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang (Văn Giang, Hưng Yên) ngậm ngùi nhìn đàn lợn đến kỳ xuất chuồng. Ảnh: Bình Phương.
Sau khi bán trang trại, cùng khoản tiền cho thuê trại trong 3 năm tới, anh Đại có được 800 triệu đồng. Dồn hết các nguồn, anh mới trả được một phần tiền vay ngân hàng. “Giờ tôi lại trở lại nghề cũ, làm thương lái, buôn rau ở các chợ đầu mối để nuôi vợ con…lúc nào giá lợn lên, tôi sẽ tính nuôi trở lại”-anh Đại chia sẻ.
Tương tự trong cảnh “chạy” giá, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thức, thôn Bá Khê (thị trấn Văn Giang, Hưng Yên) cũng phải bán hơn 350 con lợn hồi giá 17-20 nghìn đồng/kg. “Giá lợn như xe không phanh lao dốc, hốt quá phải bán. Bây giờ trại lợn còn 250 con, mới được 60-70 kg, chỉ cho ăn cầm chừng chờ giá”-anh Thức nói.
Chị Diệp, vợ anh Thức cũng thở dài, khi tình cảnh của anh trai và anh rể của chị cũng phải bỏ trại. “Các ông ấy mới nuôi, lúc giá xuống 33 là các ông đã gục rồi, vì không có vốn để cự. Đợt này, vợ chồng tôi mất tiền tỷ trôi theo đàn lợn. Nếu giá lợn lè tè thế này, không biết có cầm cự được một hai tháng nữa không”- chị Diệp nói.
Dọc bờ đê vùng bãi sông Hồng, đoạn qua huyện Văn Giang, nhiều trại đã “treo”…vì đợt xuống giá này.
Nên cấp quota cho chăn nuôi lợn
Ngẫm lại đời chăn lợn mấy chục năm qua, chủ trang trại có tiếng 4.000 đầu lợn ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội)- ông Nguyễn Trọng Long chưa hết rùng mình trong cơn khủng hoảng giá lợn lần này. “Bao nhiêu tích cóp được mấy năm trước, chỉ đợt này là đứt, trôi xuống sông, xuống biển hết”, ông Long nói.
Là người đầu tư trang trại bài bản, ông Long cho rằng, Việt Nam đang khủng hoảng thừa, nhưng thực ra là thừa đàn nái.
Theo ông Long, đã đến lúc Nhà nước nên: Định hướng quy hoạch rõ ràng, cấp mã số vùng chăn nuôi; Làm rõ nhu cầu nội địa thế nào, xuất khẩu ra sao, vùng nào nuôi bò, lợn… Các trang trại được cấp mã số, đầu tư chuồng trại, cách nuôi, con giống chất lượng cao tăng cạnh tranh; Cần có cơ chế ràng buộc trong chuỗi liên kết, chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các khâu nuôi, giết mổ, bán thịt, bán giống, thức ăn, thuốc thú y… Việc này cần thông qua các hiệp hội để có thể điều tiết, chứ tự người dân không làm được.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi, việc kêu gọi giải cứu vừa qua đã giúp giá lợn hơi tăng 3-5 nghìn đồng/kg so với thời điểm thấp nhất. Tuy nhiên, hiện chỉ mới qua đáy khó khăn, cần tiếp tục chặn đà giảm giá tiếp, rồi phục hồi dần. Trước mắt, cần tiếp tục kiểm soát về thức ăn, thuốc thú y, môi trường, dịch bệnh. Bởi, thua lỗ sẽ khiến người nuôi chán nản, bỏ bê phòng dịch, môi trường, khi có dịch sẽ không “đỡ” được…
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, việc giải cứu chỉ là giải pháp tình huống. Cú tụt giá lần này rất đau, nhưng cũng là lần test cho cơ quan quản lý. Về lâu dài, cần rà soát tổng thể quy hoạch, xác định quy mô đàn lợn phù hợp với thị trường, từ đó tổ chức sản xuất theo chuỗi chăn nuôi lớn.“Nếu liên kết chuỗi, chúng ta chia sẻ được trách nhiệm và lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người nuôi; truy xuất được nguồn gốc thực phẩm, thống kê được đầu lợn, qua đó cân đối cung-cầu”- ông Dương nói.
Liên quan việc nên cấp quota cho vùng chăn nuôi lợn, ông Dương cho rằng, đây là vấn đề hay cần xem xét. Theo ông, ở Úc, Tây Ban Nha…chỉ nuôi 500 lợn nái là phải có điều kiện, cấp quota. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu từng bước, vì thực tế, chúng ta có tới 3 triệu hộ chăn nuôi lợn, việc đưa ra điều kiện cũng phải hài hòa, có lộ trình, để họ kiểm soát được dịch bệnh, an toàn và kiểm soát được cung cầu”- ông Dương nói.
Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch thịt lợn Việt Nam Ngày 28/5, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, phía Trung Quốc đã đồng ý việc có thể nhập khẩu chính ngạch thịt lợn đã giết mổ, cấp đông từ Việt Nam. Theo ông Dương, đây là kết quả sau chuyến làm việc của lãnh đạo Bộ NN&PTNT với đơn vị đồng cấp phía Trung Quốc mới đây. Phía Trung Quốc trước mắt chỉ đồng ý nhập khẩu chính ngạch thịt đông để kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, chứ không phải nhập lợn sống. Để xuất chính ngạch, phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải kiểm soát được dịch bệnh, nhất là bệnh lở mồm long móng. Do vậy, đơn vị chuyên môn của Việt Nam (Cục Thú y) cần sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về kỹ thuật để phía bạn đánh giá. Theo ông Dương, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc rất lớn, mỗi năm họ có thể nhập khoảng 1 triệu tấn từ Việt Nam. Nam Khánh |