Hạt gạo Việt đang bị giấy phép 'trói chân trói tay'
Sau sáu năm thực hiện, Nghị định 109 quy định những điều kiện xuất khẩu gạo đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sửa đổi để tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam.
Nhằm thu thập ý kiến các doanh nghiệp (DN) về sửa đổi Nghị định 109, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm góp ý sửa đổi nghị định này vào chiều 22-2 tại TP.HCM.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho biết Nghị định 109/2010 đưa ra những quy định về điều kiện trở thành một DN xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất một cơ sở xay, xát gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Điều này đồng nghĩa với việc các DN liên kết chặt chẽ với nông dân, sản xuất ra các sản phẩm có thương hiệu nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ không được xuất khẩu gạo.
Ví dụ như Công ty Viễn Phú Việt Nam với thương hiệu gạo đặc sản Hoa Sữa, không thể chủ động tiếp cận thị trường mà phải ủy thác qua các công ty lớn đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Với bao công sức xây dựng thương hiệu, DN này liên tục phải ngồi trên đống lửa, không phải do bài toán đầu ra, cũng không phải bài toán giá, mà đó là bài toán “giấy phép”.
Hay có DN tư nhân không đủ điều kiện về kho chứa, nhà máy vì đầu tư quá sức, lãng phí nên buộc phải lập công ty Singapore để nhập khẩu gạo của chính mình qua một đơn vị ủy thác xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các “ông lớn”, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân.
Vấn đề chưa thể biết được các ông lớn này có gia tăng hiệu quả của ngành lúa gạo hay không vì tiêu chuẩn liên kết với nông dân sản xuất cũng chỉ là tiêu chuẩn “ưu tiên” và các DN này không nhất thiết phải tuân thủ.
Từ đó TS Thành đưa ra đề xuất bãi bỏ điều kiện này trong Nghị định 109.
Công nhân đóng gói gạo xuất khẩu.
Về điều kiện vùng nguyên liệu trong giai đoạn 2015-2020, thương nhân có thành tích xuất khẩu, các DN lẫn chuyên gia đều có đề xuất bãi bỏ điều kiện này, tập trung quản lý chất lượng gạo đầu ra, theo đó gạo sản xuất ra an toàn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh… Đồng thời Nhà nước dùng cơ chế khuyến khích đối với các DN xây dựng vùng nguyên liệu.
Về quy định về thị trường xuất khẩu gạo, đại diện một DN xuất khẩu gạo cho biết không chỉ vấn đề về giấy phép, chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam còn tạo ra nhiều “bó buộc” khác về đầu ra cho DN tư nhân.
Thông tư 44/2010 của Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định 109, quy định DN tư nhân chỉ được phép vào các thị trường nhỏ hoặc mới trong khi các thị trường lớn, với các đối tác lớn, có thỏa thuận cấp Chính phủ thì được quản lý chặt theo quy chế tập trung.
Tức là thị trường xuất khẩu của các hợp đồng thương mại đã bị “hẹp” cửa đi rất nhiều, đầu tư vào lúa gạo lại càng trở nên rủi ro.
Vì vậy, theo đại diện DN này đề xuất bãi bỏ điều kiện này tạo cho DN tư nhân mời chào bán gạo ký hợp đồng thương mại vào cả những thị trường tập trung.
Đồng thời bãi bỏ điều kiện đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hồ sơ trong đó có hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết.