Hàng Việt dần chiếm ưu thế
Ngày càng nhiều người tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế tin dùng sản phẩm hàng Việt có nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu rõ ràng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, ở kênh bán lẻ hiện đại, tỉ lệ hàng Việt bày bán tại những siêu thị, cửa hàng của các doanh nghiệp (DN) trong nước hiện trên 90%, tại các hệ thống siêu thị nước ngoài từ 60% - 96%. Ở kênh bán lẻ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tạp hóa cũng chiếm từ 60% trở lên. Nguyên nhân là do người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng nội địa.
Chiếm tỉ lệ áp đảo
Khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy tỉ lệ người tiêu dùng Việt Nam chọn sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước gia tăng kể từ sau dịch COVID-19. Đến nay, khoảng 76% người tiêu dùng Việt cho biết chuộng hàng trong nước, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Còn theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", sức mua hàng Việt ngày càng tăng cao. Có hơn 90% người tiêu dùng cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt khi đi mua sắm; 75% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt…
Tại TP HCM hiện nay, tỉ lệ hàng Việt tại các hệ thống bán lẻ lớn như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market, Big C, GO!, AEON, Lotte Mart, Emart… luôn chiếm trên 90%. Hưởng ứng cuộc vận động, các DN bán lẻ liên tục triển khai các hoạt động hỗ trợ hàng Việt. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart, cho biết chính sách thu mua của Saigon Co.op luôn đặt chất lượng lên ưu tiên hàng đầu.
Vì vậy, để nâng cao tỉ lệ hàng Việt, Saigon Co.op thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất… cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn liên kết với một số nhà sản xuất trong nước để đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên kinh doanh các sản phẩm Việt Nam và các đặc sản làng nghề.
Đại diện một hệ thống bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài cho hay có đến 95% hàng hóa bán tại hệ thống được sản xuất trong nước. "95% khách hàng đến siêu thị đều mua hàng Việt; tỉ lệ này ở nhóm khách hàng chuyên nghiệp thấp hơn - chỉ khoảng 50%. Tính từ trước khi có cuộc vận động
"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đến nay, tỉ lệ hàng Việt tại hệ thống đã tăng rất tốt, từ 80%-83% lên 95%. Hàng Việt dần đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước nhưng vẫn chưa có đủ chủng loại để phục vụ người nước ngoài sống tại Việt Nam lẫn xuất khẩu" - người đại diện này nêu thực tế.
Theo các DN phân phối, hiện nay, đa số hàng Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại về chất lượng nhưng còn lép vế về mẫu mã bao bì, marketing. "Kết quả khảo sát người tiêu dùng gần đây cho thấy trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, người tiêu dùng Việt sẵn sàng từ bỏ thói quen tiêu dùng thương hiệu ưa thích để chuyển qua thương hiệu khác. Vì vậy, DN Việt phải chú ý đẩy mạnh khuyến mãi hơn nữa để giành thị trường" - giám đốc marketing một hệ thống phân phối nhận định.
Người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa sản xuất trong nước
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Giải thích cho sự thay đổi thói quen tiêu dùng hàng Việt, Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP HCM cho rằng hàng hóa mang thương hiệu Việt ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã. Các DN đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với lợi ích của người tiêu dùng, mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng ngày càng cao với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Từ đó, hình thành thói quen tin dùng hàng Việt.
Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP HCM - cho biết để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ chính là tăng cường các hoạt động tiếp xúc DN để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn.
Thành lập các tổ công tác hỗ trợ DN, thường xuyên trao đổi với các hội ngành nghề để nắm bắt khó khăn của DN, từ đó làm việc với các sở, ban, ngành để thống nhất nội dung hỗ trợ ngay tại buổi làm việc. Tăng cường kết nối các DN, hỗ trợ DN phát triển theo định hướng phát triển của thành phố. Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp của UBND thành phố nhằm bảo đảm hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết thành phố đã ban hành các quyết định về việc phê duyệt đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024" và đề án của Chính phủ về "Thúc đẩy DN tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030". Điều này một lần nữa khẳng định thành phố luôn đề cao vai trò quan trọng của các hội - đoàn, hiệp hội DN, chuyên gia, trí thức người Việt Nam trong bối cảnh cần phải hồi phục nền kinh tế sau nhiều năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong bối cảnh thương mại suy giảm, trong 6 tháng đầu năm nay Việt Nam vẫn có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Có...