Hàng Việt dần “biến mất” tại kênh phân phối ngoại
Các nước quanh khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines đã hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp (DN), trong khi chúng ta mới chỉ đang trong cuộc vận động. Tại thị trường trong nước, một số hệ thống phân phối, hàng Việt đã dần “biến mất” thay vào đó là hàng Thái Lan, đây là điều đáng lo ngại..
Tại Hội nghị “Sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2015-2017” tổ chức ngày 13-4 tại TP Hồ Chi Minh, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết: “Hàng Việt có những tiến bộ là đáng mừng, nhưng nếu so với các nước ASEAN, môi trường mà chúng ta phải cạnh tranh hàng ngày với họ về sản phẩm thì không thể xem nhẹ. Các nước quanh khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines đã hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp (DN), trong khi chúng ta mới chỉ đang trong cuộc vận động. Tại thị trường trong nước, một số hệ thống phân phối, hàng Việt đã dần “biến mất” thay vào đó là hàng Thái Lan, đây là điều đáng lo ngại”.
Đại diện nhiều DN cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là điều kiện thuận lợi giúp cho các DN tiếp tục cải cách chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển thị trường và tăng cường cung ứng sản phẩm sản xuất trong nước đến tay người tiêu dùng (NTD). Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 1.000 DN có sản phẩm “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Nhiều DN phát triển vững chắc tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Về kênh phân phối, đến cuối năm 2017, TP Hồ Chí Minh có 239 chợ truyền thống, 2.017 siêu thị và 43 trung tâm thương mại. Đa số các hệ thống phân phối lớn đều tham gia, hưởng ứng rất tốt chương trình vận động “Hàng Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt.
Tại các hệ thống siêu thị trong nước, tỷ lệ hàng Việt đạt 90-96% như: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Visssan (95%)... Tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của nước ngoài như Lotte, Big C, Aeon - Citimart, Auchan... hàng Việt cũng chiếm khá cao, từ 65-95%.
Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, những tiến bộ hàng Việt trong nước là điều đáng mừng. Nhưng so với các nước ASEAN, môi trường mà chúng ta phải cạnh tranh hàng ngày với họ về sản phẩm thì không thể xem nhẹ. Từ cách đây gần 2 năm, Thái Lan đã xác định là các DN của họ phải tập trung vào thị trường Việt Nam vì đây là thị trường có rất nhiều thuận lợi.
Họ cũng đã mua các kênh phân phối của chúng ta. Giờ nếu vào Metro thì thấy hàng Việt gần như “biến mất”. Họ cũng nói thẳng với nhân viên rằng, đường lối của Metro là sản phẩm của Thái Lan.
Tương tự, nhiều sản phẩm của Philippines, Indonesia cũng đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, cần có những chính sách để bảo vệ và hỗ trợ DN Việt phát triển. Thời gian qua, Hội DNHVNCLC cũng đã làm chương trình “chuẩn hội nhập”.
Khi DN Việt Nam hội nhập vào thị trường thế giới thì phải đạt chuẩn trong thang bảng các tiêu chuẩn của quốc tế, khi DN Việt xem như đã cầm trong tay giấy thông hành đi vào các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, điều này với hầu hết người nông dân thì vẫn xa lạ, còn DN thì còn gặp nhiều khó khăn để đạt được. Đến nay Hội DNHVNCLC kết nạp được 66 DN đạt chuẩn hội nhập quốc tế.
“Chúng tôi nghĩ, bên cạnh việc chúng tôi cố gắng xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm Việt Nam, thì việc xúc tiến thị trường của các cơ quan chức năng cũng là hết sức bức bách”, bà Hạnh cho biết.
Ông Đào Hà Trung – Chủ tịch Hội công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng, hiện nay có rất nhiều hàng nước ngoài giả mạo hàng Việt Nam. Vì vậy, để xây dựng, bảo vệ thương hiệu hàng Việt, Hội công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã áp dụng công nghệ cao để truy xuất nguồn gốc, thỏa mãn được các điều kiện: Phân biệt được đâu là hàng Việt Nam và xây dựng hàng quốc tế thương hiệu “made in Việt Nam”.
Cụ thể, tại thời điểm này, với công cụ TE-FOOD, mỗi ngày truy xuất nguồn gốc 12.000 con lợn, 100 ngàn con gia cầm và 1,5 triệu quả trứng từ các tỉnh, thành về TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, sẽ đề xuất truy xuất nguồn gốc thịt bò, rau củ quả và đặc biệt là truy xuất hoa quả xuất khẩu đi nước ngoài. Bởi, hiện nay một số nước yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thì họ mới cho nhập khẩu. Thị trường Trung Quốc yêu cầu điều này từ ngày 1-5 tới.
Bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc “Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá rằng, sau 3 năm thực hiện cuộc vận động từ 2015-2017, TP đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn thách thức, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và đặc biệt là trong điều kiện các DN không riêng TP Hồ Chí Minh mà DN cả nước có quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tới, đề nghị cần quan tâm một số nội dung: Hướng đến mục đích phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, có sức cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên dùng hàng Việt; Phải xem công tác tuyên truyền cuộc vận động là một trong những giải pháp hàng đầu; Chương trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam phải gắn với chương trình bình ổn, ATTP, các DN khởi nghiệp...