Hàng Việt chinh phục thế giới, thất thế ở sân nhà
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đứng đầu thế giới nhưng bán trong nước lại rất chật vật.
Sau nhiều năm đưa sản phẩm chinh phục hàng trăm quốc gia trên thế giới, giờ đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam (VN) thừa nhận phải vắt óc suy nghĩ để tiếp cận thị trường trong nước.
Bỏ quên người tiêu dùng Việt
Cá tra VN đã có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Năm 2018, dự kiến thu trên 2 tỉ USD giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này nhiều người Việt vẫn chưa mặn mà dùng cá tra.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Godaco), thừa nhận hiện nay các công ty thủy sản chỉ quan tâm xuất khẩu cá tra chứ ít ai ngó ngàng thị trường nội địa. Bằng chứng là hơn 95% sản phẩm từ cá tra dùng cho xuất khẩu vì bán được lượng lớn, đem tiền về liền. Hiện sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra có hơn 50 mặt hàng chủ yếu xuất khẩu, còn nội địa chỉ có 6-7 mặt hàng.
“Người tiêu dùng trong nước có thói quen chọn hàng tươi sống, cá phải đang bơi mới mua, còn cá đông lạnh rất khó bán. Chưa kể để đưa hàng vào chuỗi siêu thị lớn, chúng tôi phải mất hai năm mới có thể ký được hợp đồng” - ông Đạo phân tích.
Bà Nguyễn Ngọc Diện, quản lý cao cấp ngành hàng thực phẩm Siêu thị Co.opmart, nhận xét con cá tra rất quen thuộc với người miền Nam nhưng tiêu thụ trong hệ thống chỉ khoảng 200 tấn/tháng. Lý do, đa số sản phẩm là hàng thô như cá tra phi lê, cắt khúc, sản phẩm chế biến chưa có nét đặc trưng nổi bật nên chưa thu hút khách hàng.
Hạt điều xuất khẩu của VN cũng đã có mặt ở hơn 40 quốc gia trên thế giới nhưng ngay thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân lại chưa có chỗ đứng. Nguyên nhân chính được các doanh nghiệp thừa nhận là do sản phẩm hàng hóa chế biến từ hạt điều còn đơn điệu như điều rang muối, bánh có nhân điều. Trong khi đó giá bán cao nên chưa hấp dẫn người tiêu dùng.
Hạt điều Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng nhưng lại chật vật khi bán tại thị trường nội địa. Ảnh: QH.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An, nói: “Hạt điều VN được nhiều nước ưa chuộng, đánh giá rất cao về chất lượng vì tốt cho sức khỏe. Các nước nhập khẩu đều là những thị trường khó tính, như Mỹ là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của VN chiếm khoảng 40%, châu Âu chiếm gần 30%. Thế nhưng bán tại thị trường nội địa lại rất chật vật. Thời điểm tiêu thụ được sản phẩn hạt điều thường vào dịp Tết nguyên đán làm quà tặng chứ chưa tạo được thói quen ăn hằng ngày cho người tiêu dùng nội địa”.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng nhiều sản phẩm Việt chưa tìm được chỗ đứng trên sân nhà do doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến khâu phân phối và thị hiếu người tiêu dùng trong nước.
Người Việt thích độc đáo, mới lạ
Chuyên gia thực phẩm người Nhật Bản Nobuyoshi Kan tỏ ra ngạc nhiên vì cá tra tiêu thụ ở VN rất ít so với xuất khẩu bởi loại cá này tốt ngang cá hồi, cá tầm về dinh dưỡng. Để đưa cá tra gần hơn với người tiêu dùng trong nước, ông Nobuyoshi Kan gợi ý các doanh nghiệp VN nên đa dạng sản phẩm từ cá tra để chiều chuộng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng nội địa bởi những sản phẩm quen thuộc sẽ khó thu hút người mua.
“Người Nhật ngày càng quen thuộc với các sản phẩm chế biến sẵn từ cá ba sa của VN. Ví dụ, họ thích bánh hamburger có nhân làm bằng cá tra VN. Do vậy các nhà cung cấp đã sáng tạo ra các sản phẩm cá tra, không chỉ chế biến thành các món ăn liền mà cá tra tươi của VN cũng có thể dùng trong món sushi của Nhật Bản. Đó là cách chúng tôi đem cá ba sa của VN vào thị trường Nhật Bản và các bạn cũng có thể dùng cách này để tiếp cận thị trường nội địa” - ông Nobuyoshi Kan chia sẻ.
Dưới góc nhìn của nhà bán lẻ, bà Nguyễn Ngọc Diện, quản lý cao cấp ngành hàng thực phẩm Siêu thị Co.opmart, nhấn mạnh: “Sản phẩm VN muốn cạnh tranh lại các mặt hàng ngoại nhập cần thay đổi về bao bì sao cho bắt mắt, thu hút khách hàng. Người tiêu dùng Việt thích sự mới mẻ, lạ. Do đó các công ty cần có nhiều sản phẩm chế biến hấp dẫn, mới trong siêu thị để người tiêu dùng thêm nhiều sự lựa chọn”.
Ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hạt điều VN, thì dẫn câu chuyện của các công ty hạt điều Ấn Độ làm rất tốt tại thị trường để làm bài học cho các doanh nghiệp VN. Theo đó, trước đây người dân Ấn Độ cũng không có thói quen ăn hạt điều. Để giải quyết bài toán này, các công ty Ấn Độ đã có những giải pháp như đa dạng hóa các sản phẩm từ hạt điều; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về giá trị của hạt điều; đẩy mạnh đưa hàng vào trưng bày và bán ở tất cả siêu thị, cửa hàng, chợ…
“Quá trình để người tiêu dùng thay đổi thói quen và chấp nhận tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng phải kéo dài nhiều năm chứ không thể ngày một ngày hai” - ông Thanh nói.
Gặp khó khăn về giấy phép Trước một số ý kiến cho rằng việc đưa sản phẩm ra thị trường trong nước còn gặp khó khăn do thủ tục, bà Ngô Thị Thức, Phó Chi cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thừa nhận: Doanh nghiệp gặp khó khăn về giấy phép khi quay về thị trường trong nước là có thật. Nguyên nhân do xuất khẩu thì Bộ NN&PTNT quản lý nhưng nội địa lại do ngành y tế phụ trách... Việc phối hợp với nhau chưa chặt chẽ tạo sự chồng chéo, gây khó cho doanh nghiệp. “Hiện chúng tôi đã có các đề xuất lên cấp trên giải quyết vấn đề này” - bà Thức cho hay. |