Hàng Trung Quốc "chiếm" thị trường: Chỉ lợi trước mắt

Hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam không được kiểm soát gây thất thu ngân sách, bỏ ngỏ chất lượng và “bóp méo” nền sản xuất trong nước

Theo chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh, khoản chênh lệch 20 tỉ USD kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc trong năm 2014 là rất nguy hiểm và cơ quan quản lý không thể biện minh theo kiểu “nước nào cũng có chênh lệch như thế!”.

Bởi hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam không qua ghi nhận của cơ quan quản lý - nghĩa là không hề chịu thuế, không qua các hàng rào quản lý kỹ thuật và “tha hồ tung hoành”. Khi đó, hàng nhập lậu sẽ cạnh tranh không công bằng với hàng hóa từ các nguồn khác, nhất là hàng của doanh nghiệp (DN) nội địa.

“Bóp chết” sản xuất trong nước

Việt Nam đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), sự lo lắng được các DN đề cập chính là không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc, hàng trong nước sản xuất kém chất lượng, không rõ nguồn gốc do nhập nguyên vật liệu giá rẻ từ Trung Quốc.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, phân tích khoản chênh lệch kim ngạch nhập khẩu hơn 20 tỉ USD sẽ bóp chết nền sản xuất và DN trong nước. Đối với nhà sản xuất thì sẽ có lợi khi nhập sản phẩm, nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị với giá rẻ. Nhưng công nghệ thấp, chất lượng thấp thì năng suất thấp.

Và ai thiệt? Những DN đầu tư ở Việt Nam, làm ăn chân chính sẽ không cạnh tranh nổi với những nhà xuất khẩu Trung Quốc hoặc DN Việt nhập hàng Trung Quốc về bán ra thị trường; nhập máy móc, thiết bị Trung Quốc để sản xuất sản phẩm.

Hàng Trung Quốc "chiếm" thị trường: Chỉ lợi trước mắt - 1

Nguyên phụ liệu dệt may phần lớn nhập từ Trung Quốc được bán trên đường Hòa Hảo, quận 11, TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh

“Vì thế, cái lợi chỉ là trước mắt nhưng sẽ rơi vào bẫy công nghệ giá rẻ, không thể phát triển lên chuỗi giá trị sản xuất cao hơn. Và nếu nằm mãi trong cái bẫy này, năng suất không cải thiện thì thu nhập của người lao động cũng sẽ khó cải thiện, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay” - ông Tuấn phân tích.

Đơn cử ngành dệt may, nhiều năm nay, dù là ngành xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xấp xỉ 20 tỉ USD trong năm 2014 nhưng các DN vẫn chủ yếu nhập nguyên phụ liệu đầu vào từ Trung Quốc lên tới hàng tỉ USD. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thừa nhận để tránh lệ thuộc nguyên phụ liệu đầu vào từ Trung Quốc là điều rất khó vì Việt Nam thiếu ngành công nghiệp phụ trợ.

Ngay dự án xây dựng vùng nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày đến giờ vẫn nằm trên giấy dù cơ hội từ các FTA với Hàn Quốc, EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, nhất là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang cận kề.

Thay “đối tác” cũng không giải quyết được vấn đề

Nhìn một cách khách quan, TS Bùi Trinh cho rằng nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ sẽ kéo theo giá thành sản phẩm thấp. Nếu thay thế Trung Quốc bằng một đối tác khác, chắc chắn chi phí sẽ tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên và khi đó lợi nhuận của DN giảm xuống. Chỉ thay thế đối tác nhập khẩu không thể giải quyết vấn đề một cách triệt để.

“Do nền kinh tế gia công nên không nhập khẩu từ Trung Quốc cũng phải nhập từ nước khác. Vấn đề không phải lo lắng vì phụ thuộc vào Trung Quốc mà làm sao để Việt Nam có một cấu trúc kinh tế hợp lý và hiệu quả” - TS Trinh nêu quan điểm.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, do DN trong nước có năng suất lao động và năng suất vốn quá thấp nên hàng hóa làm ra không thể cạnh tranh nổi. Đây cũng là lý do khiến tình trạng buôn lậu gia tăng. Một nước đang phát triển như Việt Nam rất cần vốn, trong điều kiện dòng vốn đang khan hiếm thì chúng ta lại dành quá nhiều cho khối DN nhà nước và những ngành kinh tế đầu cơ như bất động sản, chứng khoán…

Kết quả, phần vốn dành cho khu vực sản xuất ít nên DN phải “tranh giành” khiến lãi suất bị đẩy lên cao, cộng thêm năng suất lao động thấp, sản phẩm làm ra giá thành quá cao thì làm sao cạnh tranh nổi?

“Đã đến lúc cần tư duy lại vai trò của các thành phần kinh tế, trong đó vai trò của khu vực tư nhân phải là tiên phong, dựa trên chất lượng và hiệu quả. Muốn để khu vực tư nhân mạnh lên, thực ra không cần ưu đãi, triết lý cuối cùng là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế” - ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp không có động lực sản xuất

Ở khía cạnh vĩ mô, một số chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách tỉ giá theo hướng định giá tiền đồng quá cao so với giá trị thực đã “triệt tiêu” động lực sản xuất hàng hóa của DN trong nước. Tiền đồng bị định giá cao, hàng trong nước sản xuất ra giá cao hơn hàng nhập khẩu nên không DN nào nghĩ đến chuyện sản xuất mà chỉ muốn nhập hàng về bán kiếm lời, trong đó nhập hàng Trung Quốc về dễ dàng và giá rẻ nhất. “Muốn vực dậy khu vực sản xuất, chính sách tỉ giá phải có lợi và nuôi dưỡng nền sản xuất theo hướng lâu dài” - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN