Hàng Trung Quốc 'ăn ốc', hàng Việt 'đổ vỏ'
Hàng Việt bị điều tra oan và có thể sẽ phải chịu mức thuế rất cao khi xuất khẩu. Điều này có thể hiểu nôm na là DN Trung Quốc “ăn ốc” nhưng DN Việt phải “đổ vỏ”.
EU và một số thị trường đang nghi ngờ về sản phẩm tôm xuất khẩu nói riêng và một số sản phẩm thủy sản nói chung của Việt Nam không minh bạch về nguồn gốc.
Bị vạ lây
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Đình Hòe thông tin đoàn chuyên gia của cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) vừa tiến hành điều tra về nguồn gốc, xuất xứ tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu tại Việt Nam. Nguyên nhân là do OLAF nghi ngờ các công ty của Việt nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ về sơ chế, đóng gói rồi xuất khẩu sang các nước châu Âu để né thuế.
Hiện tại, Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU. Ví dụ tôm đã sơ chế ở Việt Nam xuất vào châu Âu hưởng thuế suất 7%, trong khi tôm cùng loại của Ấn Độ phải chịu thuế suất lên đến 20%. “Theo quy định của EU, tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này phải có nguồn gốc từ nuôi trong nước mới được hưởng ưu đãi thuế quan, nếu vi phạm sẽ bị áp thuế rất cao” - ông Hòe giải thích thêm.
Đề cập thêm về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nhận định EU điều tra nguồn gốc xuất xứ tôm Việt Nam vì số lượng tôm nguyên liệu từ Ấn Độ nhập khẩu vào nước ta tăng. Số lượng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ tăng nhưng người nhập là doanh nghiệp (DN) Trung Quốc chứ không phải DN Việt Nam.
“Nhiều DN Trung Quốc đã đầu tư mở nhà máy ở Việt Nam để nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, Thái Lan… về chế biến. Sau đó họ tiếp tục xuất khẩu vào Trung Quốc hoặc nước khác với thuế suất thấp hoặc xuất theo đường tiểu ngạch, trốn thuế. Đây là nguyên nhân khiến EU nghi ngờ xuất xứ tôm Việt và hàng Việt chịu thiệt thòi” - ông Lĩnh tiết lộ.
Không chỉ tôm, cá mà theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, trước đây ngành xuất khẩu gỗ cũng bị kiện vạ lây vì các công ty Trung Quốc đầu tư cơ sở tại Việt Nam nhập gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ. Thậm chí còn có hiện tượng một số công ty Trung Quốc mua nguyên liệu gỗ từ nước này rồi lấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam để xuất khẩu.
Tôm Việt cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu nguy cơ bị áp thuế cao vì bị vạ lây từ doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: QUANG HUY
Khó minh oan
Đại diện một số DN xuất khẩu thủy sản nhận định khi EU điều tra sẽ rất khó cho DN Việt Nam “minh oan”. Vì theo nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ, các DN phải chứng minh được sản phẩm nuôi trồng ở đâu, thu hoạch vào thời điểm nào. Trong khi đó hầu hết nông dân Việt Nam không khai báo khi nuôi trồng thủy sản, nhiều DN cũng không có sổ sách, ghi chép đúng yêu cầu…
“Nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, DN xuất khẩu có thể sẽ phải chịu áp mức thuế cao hoặc bị kiểm tra, kiểm soát thông quan với tần suất dày đặc hơn” - đại diện một DN cảnh báo.
Đặc biệt khi xảy ra tình huống trên thì DN Trung Quốc sẽ được hưởng lợi lớn do né được thuế. Trong khi đó hàng Việt khi xuất khẩu sang EU và các nước khác lại bị nghi ngờ dẫn đến bị điều tra oan, mất uy tín trên thị trường thế giới. Điều này có thể hiểu nôm na là DN Trung Quốc “ăn ốc” nhưng DN Việt phải “đổ vỏ”.
Để giảm thiểu thiệt hại và phát triển bền vững, các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng cần tuân thủ các bước điều tra của cơ quan chức năng EU, cung cấp đầy đủ thông tin khi họ yêu cầu. Ngoài ra cũng cần sự hỗ trợ, hợp tác và cung cấp thông tin minh bạch từ hiệp hội, cơ quan quản lý, bộ ngành thì mới có thể minh oan cho hàng Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thừa nhận EU và một số thị trường có nghi ngờ về sản phẩm tôm xuất khẩu nói riêng và một số sản phẩm thủy sản nói chung của Việt Nam là không minh bạch về nguồn gốc. Tuy nhiên, Bộ đã khẳng định không có chuyện Việt Nam gian lận trong thương mại tôm vào EU.
“Một nước xuất khẩu lớn không thể dung túng, không thể làm cái việc vì lợi ích của một vài DN mà để ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành thủy sản Việt Nam” - ông Tám nhấn mạnh.
DN Mỹ kiện thép Việt Nam Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cho hay cuối năm ngoái, liên tiếp hai sản phẩm thép cán nguội và thép cacbon xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đã bị một số DN sản xuất thép nước này nộp đơn khởi kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Nguyên nhân là do Mỹ áp thuế chống bán phá giá rất cao đối với thép Trung Quốc lên gần 200% và thuế chống trợ cấp hơn 250%. Sau khi Mỹ áp dụng các mức thuế trên, lượng xuất khẩu sản phẩm thép cùng loại từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Do đó, phía Mỹ cáo buộc có hiện tượng chuyển hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ để né thuế. ______________________________________ Năm 2016, nước ta đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch gần 3,2 tỉ USD. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam phải đạt 10 tỉ USD/năm vào năm 2025. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, cho hay nhiều thị trường thế giới đã quy định về nguồn gốc xuất xứ vì vậy DN đã liên kết với các hộ nuôi tôm, từ đó xác lập xuất xứ, nguồn gốc cho con tôm Việt Nam. Với chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc thì tôm Việt Nam có thể bán khắp thế giới với giá cao hơn 10%-30% so với hiện nay. |