Hàng trăm tiểu thương quyết không bỏ chợ

Cho rằng sẽ chịu thiệt hại nặng nề sau khi chấp thuận di dời sang khu chợ mới để mua bán nên hàng trăm tiểu thương đã phản đối quyết liệt trước quyết định di đời chợ.

Hàng trăm tiểu thương quyết không bỏ chợ - 1

Chợ Long Xuyên vừa được đưa vào hoạt động từ tháng 6-2015.

Mới đây, hơn 200 tiểu thương ở chợ Long Xuyên thuộc phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang nhận được giấy mời của UBND TP Long Xuyên với nội dung “Về việc gặp gỡ, tiếp xúc với các hộ tiểu thương đang trực tiếp kinh doanh nông sản dạng bán sỉ (rau, củ, quả và trái cây) tại chợ Long Xuyên và trên địa bàn phường Mỹ Long”.

Tại buổi gặp gỡ, đại diện Phòng Công thương TP Long Xuyên đã thông báo kể từ ngày 9 đến 31- 10, tất cả các tiểu thương kinh doanh nông sản dạng sỉ sẽ thực hiện di dời sang chợ đầu mối nông sản kết hợp một phần thủy sản thuộc dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư thuộc khóm An Hưng, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên do Công ty TNHH Đầu tư và Chế biến Lương thực Thiên Ngọc (gọi tắt là Công ty Thiên Ngọc) làm chủ đầu tư. Đến ngày 1-11, tất cả các tiểu thương này không được phép kinh doanh tại chợ Long Xuyên và lòng đường, vỉa hè trên địa bàn phường Mỹ Long. Ngay sau đó, phía đại diện Công ty Thiên Ngọc cũng hứa sẽ hỗ trợ cho bà con 1,5 triệu đồng/hộ để gọi là chi phí di dời.

Bà Nguyễn Thị Ánh, một tiểu thương ở chợ Long Xuyên cho biết vào năm 2011, do khu chợ truyền thống này đã xuống cấp nên Ban Quản lý (BQL) chợ thực hiện di dời bà con đến mua bán tạm tại sân khu bách hóa và tại khu vực gần công viên Nguyễn Huệ. Đến tháng 6-2015, khi chợ Long Xuyên được cải tạo, nâng cấp xong nên BQL cho bà con bốc thăm nhận lô, sạp để trở lại mua bán ổn định. Trong thời gian này, một số tiểu thương còn tự bỏ tiền túi ra hàng chục triệu đồng để xây dựng hàng rào, mái che, hệ thống điện, nước… Trong quá trình kinh doanh, bà con đều thực hiện tốt về việc nộp các loại thuế, phí hàng tháng cho BQL chợ. BQL chợ còn đứng ra bảo lãnh cho bà con được vay vốn ngân hàng bằng hình thức thuế chấp các lô, sạp để có tiền mua hàng hóa kinh doanh.

Hàng trăm tiểu thương quyết không bỏ chợ - 2

Hàng trăm tiểu thương đã phản đối quyết liệt về thông báo di dời tại cuộc họp.

Tiểu thương Cao Thị Xuân Hoa cho biết bà đã thế chấp căn nhà cho ngân hàng để vay 500 triệu đồng để làm vốn kinh doanh. Do đó, ngoài các khoản thuế, phí phải nộp cho BQL chợ thì bà Hoa còn đóng lãi ngân hàng với mức 20 triệu đồng/6 tháng.

Trả lời thắc mắc của các tiểu thương, ông Đào Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên, cho rằng theo định hướng đến năm 2020 thì địa phương phải có chợ đầu mối cấp vùng ĐBSCL. Để bà con yên tâm về nơi mới buôn bán thì lãnh đạo TP Long Xuyên cũng đã làm việc với Công ty Thiên Ngọc để hỗ trợ tiểu thương bằng cách đến năm thứ 3 mới thu phí theo giá quy định của Nhà nước. “UBND TP Long Xuyên sẽ tổ chức đoàn thẩm định phần thiệt hại của tiểu thương để có phương án bồi thường hoặc hỗ trợ phù hợp. Ở chợ cũ, bà con có bao nhiêu lô thì đến chợ mới sẽ nhận được số lô tương ứng. Sắp tới, khi An Giang và TP HCM ký kết giao thương thì các tiểu thương kinh doanh ở chợ đầu mối này sẽ ổn định và phát triển”- ông Ngọc Khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Nốt (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN