Hàng trăm tấn thanh long sắp thu hoạch, tiêu thụ cách nào?
Ngay trong vụ mùa chủ lực, nhưng nông sản lại đang tắc đầu ra, và phải tìm hướng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa...
Giá bán chỉ còn 5.000đ/kg
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ NN& PTNT, cả nước có hơn 62.986 ha thanh long, với sản lượng trong năm 2021 đạt hơn 1,318 triệu tấn, trong đó, vùng ÐBSCL là 575.600 tấn (tương đương 36%)...
Một lượng lớn thanh long cần được tiêu thụ trong dịp Tết.
Hiện tại, thanh long đang bước vào thu hoạch rộ nhưng gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, gần đây nước này đã thông báo tạm ngừng nhập khẩu thanh long bằng đường bộ qua các cửa khẩu phía Bắc ở nước ta.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, dự kiến từ nay đến 26/1 tới, toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha thanh long cần thu hoạch, với sản lượng trên dưới 20.000 tấn. Qua rà soát, hiện các hệ thống kho lạnh trong tỉnh và hệ thống kho liên kết chỉ có thể trữ lạnh được khoảng 5.000 tấn, tức chỉ khoảng 1/4 tổng sản lượng thanh long sắp thu hoạch. Áp lực tiêu thụ sản phẩm là rất lớn.
Thanh long được trồng tập trung nhiều nhất tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Trong đó, Bình Thuận có diện tích hơn 33.500 ha, sản lượng gần 700.000 tấn/năm; Long An có 11.800 ha, sản lượng 316.000 tấn/năm; Tiền Giang 9.600 ha, sản lượng 241.400 tấn/năm. |
Ông Nguyễn Quốc Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết: Thanh long được hiệp hội phân ra 3 loại, gồm: loại 1 với giá bán chỉ 15.000 đồng/kg, loại 2 là 10.000 đồng/kg, loại 3 là 5.000 đồng/kg. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, Long An cần thu hoạch và tiêu thụ khoảng 26.000 tấn thanh long nghịch vụ, được xông đèn mới có trái, cộng với giá phân bón và nhiều vật tư năm nay tăng cao nên giá thành sản xuất tại nhiều nơi lên đến 15.000 đồng/kg.
Các bộ, ngành và đơn vị liên quan cần xem xét có giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường biển. Tăng cường xúc tiến, phát triển xuất khẩu sang các thị trường khác còn tiềm năng và đẩy mạnh tiêu thụ tại nội địa".
Bà Ðinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, kiến nghị: “Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đàm phán để thông quan, kết nối xuất khẩu thanh long trở lại. Ðối với các xe chở thanh long chưa xuất được hàng tại các cửa khẩu phía Bắc, để tạo điều kiện cho xe quay đầu trở lại, rất mong các ngành chức năng và địa phương hỗ trợ bến bãi để xuống hàng và tạo điều kiện buôn bán tại nội địa, giúp giảm lỗ ở mức thấp nhất cho các doanh nghiệp.
Chính phủ cần xem xét có hỗ trợ chi phí và tiền điện cho doanh nghiệp trữ lạnh hàng. Bên cạnh tăng cường chế biến và đưa hàng vào kho lạnh dự trữ, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, tỉnh rất cần sự hỗ trợ, kết nối của các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại nội địa, nhất là tại những nơi không trồng thanh long”.
Ngoài thanh long, nhiều loại nông sản khác cũng đang giảm giá mạnh do tắc đầu ra
Chung tay tiêu thụ nội địa
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG, nhu cầu tiêu thụ hàng tại thị trường nội đang tăng khi bước vào cận Tết Nguyên đán nên công ty mong muốn tăng cường hợp tác với bà con nông dân và các doanh nghiệp để tiêu thụ hàng. Công ty cũng đã khẩn trương xây kế hoạch để triển khai chương trình bán hàng không lợi nhuận đối với những sản phẩm nông sản của Việt Nam đang gặp khó trong xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng trái cây và thủy sản.
Dự kiến đưa hàng vào chuỗi gần 100 siêu thị BRG MART ở 7 tỉnh, thành. Với hạ tầng công nghệ sẵn có, Công ty cũng đưa bán các mặt hàng nông sản này trên hệ thống ứng dụng bán hàng online. Ngoài ra, Công ty cũng chuẩn bị các kho lạnh để tích trữ một số lượng đáng kể hàng thủy sản và trái cây.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Sản lượng thanh long nước ta trung bình khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Thường quý I hằng năm, nước ta thu hoạch khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 410.000 tấn và quý IV khoảng 500.000 tấn. Quý I và IV tập trung trên 80% sản lượng thanh long cả năm, nên cần tiêu thụ lượng lớn sản phẩm”.
Các năm qua, thanh long chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, với diện tích và sản lượng chiếm 90%. Chỉ tính riêng trong tháng 1-2022, dự kiến sản lượng thanh long cần tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Nam là khoảng 120.000 tấn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc đẩy mạnh chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là rất cần thiết trong điều kiện Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản, đặc biệt là đối với thanh long, mít và dưa hấu. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ cũng cho biết sẵn sàng thu mua để chế biến, cung ứng cho các thị trường xuất khẩu còn tiềm năng, cũng như đẩy mạnh tiêu thụ tại nội địa.
Do vậy, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và ngành chức năng tại địa phương cần tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ kết nối và tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất và đơn vị cung ứng, phân phối và bán hàng kết nối được với nhau. Chủ động chuyển đổi tư duy sản xuất, kinh doanh một cách kịp thời…
Ngoài thanh long, nhiều mặt hàng nông sản tại ĐBSCL cũng đang rớt giá thê thảm. Ghi nhận tại Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang... giá nhãn Ido được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây chỉ còn ở mức 10.000-13.000 đồng/kg, trong khi trước đây giá 14.000-17.000 đồng/kg.
Còn giá chôm chôm thường (chôm chôm Java) hiện được nhiều nông dân bán ra ở mức 11.000-12.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 16.000-17.000 đồng/kg…
Ðây là mức giá thấp nhất trong nhiều tháng qua, do nguồn cung tăng và sức tiêu thụ chậm, nhất là khi gần đây xuất khẩu nhiều loại trái cây sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, trong khi đây là thời điểm trái cây thu hoạch rộ tại nhiều địa phương để bán tết…
Nguồn: [Link nguồn]
Từ mùng 7 – 25 tháng chạp hàng năm, làng lá dong truyền thống ở thôn Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) bắt đầu vào chính vụ....