Hàng tồn kho của DN vẫn giữ mức cao
Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 1/10, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến ngày 1/10, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng thì chỉ số này đã giảm 0,1 điểm % so với 8 tháng.
Bộ Công Thương cho biết, mặc dù chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần qua các tháng, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ cao trong bối cảnh các doanh nghiệp khó tiêu thụ sảm phẩm.
Đến ngày 1/10, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với tháng trước.
Điển hình, đối với ngành giấy, trong thời gian vừa qua thị trường tiêu thụ giấy tiếp tục gặp khó khăn và có sự cạnh tranh lớn về chính sách bán hàng giữa các đơn vị sản xuất, thương mại. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng vẫn giảm, tính thanh khoản kém nên một số đơn vị sản xuất trong nước phải cắt giảm sản lượng sản xuất hoặc đóng máy.
Cùng với đó, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp gia công giảm rất nhiều do vấp phải sự cạnh tranh rất mạnh từ các nước Indonesia và Ấn Độ (Các nước này vừa được Mỹ bỏ áp thuế chống bán phá giá đối với giấy có dòng kẻ).
Theo thống kê, lượng tồn kho hết tháng 9 vẫn cao (chỉ số tồn kho tăng 26,6% so với cùng kỳ). Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần phải nghiên cứu, tính toán lại việc giảm giá một số hàng hóa tồn kho lâu ngày, tiêu thụ chậm để có những điều chỉnh về chính sách bán hàng cho phù hợp.
Trước những khó khăn trên, vừa qua Bộ Công Thương đã thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT, với nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đã được triển khai. Trong đó có giải pháp ưu tiên sử dụng sản phẩm giữa các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 11 sẽ thực hiện khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm giảm tồn kho và thúc đẩy sản xuất. Cùng với đó, chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Triển khai thực hiện tốt Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp thuộc Bộ. Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí. Đặc biệt là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu.
Ngoài ra, tích cực và chủ động đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.