Hàng tiêu dùng cấm nhập vẫn có mặt ở thị trường nội địa

Sự kiện: Kinh Doanh

Để qua mắt các lực lượng kiểm tra, các đối tượng buôn lậu đã thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn vận chuyển và thường đưa hàng về điểm tập kết khoảng tầm 4h sáng.

Đánh giá tình trạng hàng lậu “đổ về” thị trường TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng lậu qua đường bộ biên giới các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ rồi vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không vào TP Hồ Chí Minh. Hàng nhập lậu thông qua hành lý xách tay, hàng nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, gian lận khai báo hải quan về chủng loại, số lượng”.

Đặc biệt, thời gian gần đây, “nổi lên” tình trạng hàng lậu từ nước ngoài tuồn vào thị trường TP Hồ Chí Minh gồm đồ điện, điện tử, điện máy, điện gia dụng,... đã qua sử dụng. Mặc dù bị cấm nhập khẩu, nhưng bằng nhiều thủ đoạn, các mặt này vẫn có mặt tại thị trường nội địa, sau đó được tân trang lại như mới, bán nhan nhản ra thị trường đáp ứng nhu cầu sắm sửa Tết của người tiêu dùng (NTD)...

Theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các mặt hàng đồ điện, điện tử, điện máy, điện gia dụng,... đã qua sử dụng nằm trong danh mục hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, đây là những mặt hàng có nhu cầu mua bán, sử dụng lớn do có giá rẻ, phù hợp với túi tiền của NTD có thu nhập thấp. 

Hàng tiêu dùng cấm nhập vẫn có mặt ở thị trường nội địa - 1

Hàng đã qua sử dụng nhập lậu vào nội địa đã bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Nắm bắt tâm lý NTD chuộng các nhãn hiệu nổi tiếng như Panasonic, Misubishi, Daikin, Toshiba... và nhất là sản phẩm có xuất xứ Nhật Bản, nhiều tổ chức, cá nhân đã ồ ạt nhập khẩu các mặt hàng này, sau đó tân trang lại bán ra thị trường với giá cao gần bằng giá hàng mới chính hãng nên được tiêu thụ khá mạnh, nhất là nhu cầu trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón Tết của người dân.

Gần đây nhất, ngày 24-11-2017, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Đội QLTT 2A - Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh phát hiện tại bãi xe 96 Lê Thế Truyện, phường Tân Thới Nhì, quận Tân Phú một xe tải lớn đang vận chuyển khoảng 150 bộ máy lạnh cũ đã qua sử dụng cùng vải vóc các loại. Ngoài ra, tại bãi xe này, lực lượng chức năng còn phát hiện một kho hàng chứa máy lạnh cũ, tủ lạnh đã qua sử dụng. 

Theo các trinh sát, để qua mắt các lực lượng kiểm tra, các đối tượng buôn lậu đã thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn vận chuyển và thường đưa hàng về điểm tập kết khoảng tầm 4h sáng. Các đối tượng buôn lậu thuê kho ở bãi xe này để tập kết hàng hóa. 

Sau đó dùng xe tải nhỏ đem đi tiêu thụ ở các cửa hàng kinh doanh máy lạnh cũ ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi được tân trang, bộ máy lạnh cũ này bán ra thị trường với giá từ 4-5 triệu đồng/bộ.

Trước đó, Đội QLTT 2A phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu – Bộ Công an khám theo thủ tục hành chính 2 xe ôtô tải đang dừng đậu trong khuôn viên của Công ty TNHH TM DV Vinh Phúc do ông Huỳnh Đoàn Minh làm chủ (tại quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân), phát hiện trên xe tải BKS 89C-03253 có 97 máy giặt, nồi cơm điện, máy lọc không khí, bếp từ do Nhật sản xuất. 

Còn xe tải BKS 30Z – 6223 có 277 máy giặt hiệu Panasonic, Toshiba và cục nóng, cục lạnh máy điều hòa nhiệt độ hiệu Fujitsu, Daikin do Nhật Bản, Trung Quốc sản xuất, tất cả cũng đã qua sử dụng và cũng không hóa đơn chứng từ. 

Tiếp tục kiểm tra điểm chứa trữ, kinh doanh đồ điện lạnh trong khuôn viên của công ty này, lực lượng kiểm tra phát hiện tiếp 477 cục nóng, lạnh máy điều hòa nhiệt độ hiệu Panasonic, Misubishi, Daikin, Toshiba... do Nhật Bản, Trung Quốc sản xuất, đã qua sử dụng, không hóa đơn chứng từ.

Là đơn vị trực tiếp kiểm tra các vụ buôn lậu những mặt hàng thuộc diện cấm nhập này, ông Đinh Minh Tân, Đội trưởng Đội QLTT 2A cho biết, trong năm 2017 vừa qua, Đội QLTT 2A đã phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra và xử lý 11 trường hợp vi phạm về hàng hóa nhập lậu thuộc diện cấm nhập khẩu, tạm giữ tổng cộng 3.960 đơn vị sản phẩm gồm các mặt hàng đồ điện, điện máy, điện lạnh như: cục nóng, cục lạnh máy điều hòa nhiệt độ, máy rửa chén, màn hình ti vi, thùng CPU máy tính để bàn, tủ lạnh, máy giặt, quạt bàn... đã qua sử dụng do các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan sản xuất. 

“Những mặt hàng này có khả năng được vận chuyển nhập lậu vào TP Hồ Chí Minh qua hình thức tạm nhập tái xuất để trốn tránh và qua mắt lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới, cảng biển”, ông Tân nhận định.

“Mặt hàng đồ điện, điện tử, điện máy, điện gia dụng, công nghệ thông tin đa dạng, được sử dụng rộng rãi trong đời sống và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn của NTD. Vì vậy, cần tăng cường kiểm tra các mặt hàng thuộc diện cấm nhập khẩu này trong thời gian tới để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Riêng Đội QLTT 2A, thông qua hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, Đội còn kết hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đến các đơn vị kinh doanh các mặt hàng này”, ông Tân nêu giải pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hà (CAND)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN