Hàng Thái xô hàng Việt rớt khỏi kệ siêu thị

Hàng Thái đang dần dần đẩy hàng Việt rớt khỏi các kệ hàng ở siêu thị.

Ngày 28-6, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Trung tâm WTO tổ chức hội thảo Nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

TS Nguyễn Thu Trang, Trung tâm WTO, cho biết trước sự tăng đột biến về số lượng các nhà bán lẻ ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam cũng như các thương vụ mua bán, sáp nhập trong thời gian gần đây khiến cho những cảnh báo về ngành bán lẻ Việt có thể bị thôn tính, sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn. Tuy vậy kết quả của nhóm nghiên cứu chỉ ra có 31% doanh nghiệp (DN) cho rằng sự có mặt của DN đầu tư nước ngoài ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ; sự gia nhập của DN đầu tư nước ngoài thúc đẩy thị trường sôi động hơn và là cơ hội để hợp tác phát triển.

“DN Việt khá tự tin cạnh tranh với các DN đầu tư nước ngoài vì hiểu tâm lý khách hàng, giá cả hàng hóa” - bà Trang nói.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết có đến 80%-90% là DN nhỏ và vừa, yếu đủ thứ. Riêng DN bán lẻ đã teo tóp và sẽ teo tóp dần.

“Hiện nay các DN ngoại như Central Group (Thái Lan) mua Siêu thị Big C ở Việt Nam thì bao nhiêu DN Thái, hàng Thái đi theo vào, bao nhiêu hàng Việt trên kệ rớt xuống để hàng Thái lên” - ông Minh phát biểu.

Hàng Thái xô hàng Việt rớt khỏi kệ siêu thị - 1

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là mấu chốt giúp khai thông khó khăn cho DN bán lẻ Việt. Ảnh: HTD

Cùng nhận định trên, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết hiện tại các nhà bán lẻ ngoại chưa đưa nhiều hàng hóa nước sở tại vào Việt Nam nhưng xu hướng họ dần dần tăng tỉ trọng hàng hóa nước sở tại là điều tất yếu. Đáng lo hơn, hàng hóa nước sở tại không chỉ cạnh tranh trong kênh bán lẻ hiện đại mà sẽ thâm nhập vào cả kênh truyền thống; đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp ước kinh tế quốc tế.

Theo ông Kiên, với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, chi phí đầu tư thấp, kinh nghiệm thị trường lâu năm, khối ngoại có rất nhiều lợi thế khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hiện tại chuỗi cung ứng (sản xuất, phân phối) đang bị khối ngoại chiếm đa số, tuy nhiên khối nội vẫn quyết tâm và tự tin cạnh tranh.

“Theo tôi, trong ba năm tới có luồng đầu tư mạnh của DN đầu tư nước ngoài. Vì vậy, đây là giai đoạn quan trọng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khối nội là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó các nhà bán lẻ nội địa, nhà bán lẻ với nhà sản xuất khối nội phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau” - ông Kiên nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN