Hàng Tết, vừa trữ vừa lo
Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp, tiểu thương đã hoàn tất việc trữ hàng Tết. Khác với những năm trước, năm nay việc tập kết hàng Tết được tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng do nỗi lo đọng vốn, ế hàng.
Hàng Tết giá tăng
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, tiểu thương thì tính đến thời điểm hiện tại giá bia nhập sỉ của các hãng như Heniken, bia Hà Nội, bia Sài Gòn… đã tăng thêm 5.000 đồng/thùng; các loại rượu như vodka men, vodka Hà Nội, vodka Nga cũng đã tăng giá từ 5- 7%. Các mặt hàng nước ngọt trước đây bán bao bì thường nay chuyển qua bao bì Tết nên giá cũng tăng cả chục ngàn đồng/thùng. Các loại bánh kẹo nhãn hiệu Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị… vẫn có giá bán tương đối ổn định.
Chị Nguyễn Bích Liên, chủ đại lý tổng hợp phố Nguyễn Công Chất, Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: “Hàng Tết năm nay, tôi chủ yếu nhập hàng thông dụng như bia Hà Nội, Heniken, Sài Gòn, 333, bánh kẹo Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà… Nếu chẳng may bị tồn thì sang năm mới vẫn bán được. Tôi không nhập hàng lạ, hàng chỉ mang tính chất phục vụ dịp Tết, hết Tết mà vẫn còn hàng thì sang năm không thể bán được. Nhất là năm nay, nhiều gia đình có tiêu chí không mua bán gì nhiều trong dịp Tết nên tốt nhất là chơi bài chắc ăn”.
Theo chị Liên: “Tôi chủ động nhập hàng sớm để có mức giá ổn định bán trong dịp Tết. Nếu Tết có tăng giá thì tôi vẫn có thể bán với mức giá ổn định hoặc chí ít là vẫn thấp hơn thị trường”. Bà Hà Thị Bích, chủ đại lý bánh kẹo ở phố Dương Quảng Hàm, Hà Nội cũng cho biết: “Hàng Tết năm nay tôi chỉ nhập cầm chừng. Nếu bán chạy thì bị thiếu hụt không đáng kể, còn nếu chẳng may ế thì vốn cũng không bị đọng nhiều”.
Hàng Tết đã tràn ngập tại các siêu thị, đại lý. Ảnh: M.H
Nhà sản xuất dè chừng
Theo các doanh nghiệp, sức mua đang ở mức duy trì hơn là tăng trưởng. Người tiêu dùng dè sẻn chi tiêu nên dự kiến sức mua sẽ tập trung vào các ngày cận Tết. Trong điều kiện như vậy, hầu hết doanh nghiệp sản xuất phục vụ Tết chủ trương không phát triển sản phẩm mới mà tập trung vào các mặt hàng thế mạnh, kềm giữ giá.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Bibica, năm nay Bibica chỉ tung ra khoảng 1.250 tấn bánh kẹo và sôcôla, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Công ty này cũng cho biết chỉ chú trọng vào những mặt hàng quen thuộc, được ưa chuộng, không bán nhiều dòng sản phẩm như trước; Công ty Kinh Đô cũng tung ra lượng hàng Tết khoảng 4.500 tấn bánh kẹo, tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Và đó cũng là những sản phẩm được ưa chuộng, quen thuộc với người tiêu dùng …
Để nhanh chóng “đẩy hàng”, nhiều đơn vị sản xuất đã tung ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn. Có doanh nghiệp lại nhắm đến việc sản xuất những mặt hàng độc, hàng thiết yếu, thậm chí đó không phải mặt hàng đặc trưng trong dịp Tết nhưng lại có khả năng bán chạy trong dịp này. Bà Nguyễn Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food cho biết, năm nay công ty sản xuất khá nhiều mặt hàng cháo bổ dưỡng dù đây không phải là mặt hàng đặc trưng cho mùa Tết. Tuy nhiên, nhưng ngày Tết, ai cũng tất bật, lo toan chuẩn bị cho ngày Tết nên không có thời gian chăm chút bữa ăn trẻ nhỏ và người cao tuổi nên công ty đã chủ trương đẩy mạnh sản xuất mặt hàng này. Những năm trước, Công ty đã làm thử 3 sản phẩm cháo và kết quả là bán rất chạy nên năm nay, Saigon Food tiếp tục thiết kế ra 5 loại cháo mới, nguyên liệu chính là cá hồi, tôm, gà ác, lươn, rong biển, hạt sen, nhân sâm, đậu xanh, bí đỏ…
Không lo thiếu hàng chỉ sợ sức mua yếu
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện các doanh nghiệp đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán với trị giá hơn 6.000 tỉ đồng nên dịp Tết không lo chuyện thiếu hàng, chỉ lo tiêu thụ chậm, sức mua yếu. Tuy nhiên, khó tránh việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, do nhu cầu tăng vào tháng cuối năm, như thịt heo, thịt gà có chiều hướng tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg; rau xanh tăng trung bình 15- 20% so với thời điểm đầu năm.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động liên kết, khai thác nguồn hàng từ các tỉnh bạn nhằm bảo đảm cung ứng cho thị trường Tết. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động bán hàng thông qua chương trình bình ổn giá với 7 nhóm hàng thiết yếu trị giá 318 tỉ đồng. Đáng lưu ý, 13 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá bằng nguồn vốn tự có của mình cũng chủ động dự trữ số lượng hàng hóa trị giá 630 tỉ đồng, đáp ứng 30% nhu cầu của 7 nhóm hàng thiết yếu.
Thông tin từ Sở Công Thương TP HCM cho biết, tổng giá trị hàng hóa doanh nghiệp sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết là 7.581 tỉ đồng, tăng 40,5% so với Tết năm ngoái. Trong đó, tổng giá trị nguồn hàng bình ổn thị trường là 4.901 tỉ đồng, tăng 62,17%, do đó lượng hàng hóa cũng rất dồi dào, không lo thiếu trong dịp Tết Nguyên đán.