Hàng Tết sản xuất muộn, số lượng giảm
Mọi năm, doanh nghiệp thường khởi động làm hàng cho mùa vụ cuối năm ngay từ đầu tháng 9. Năm nay, bước sang tháng 10, doanh nghiệp mới chuẩn bị cho quy trình hàng tết với sản lượng giảm hoặc bằng năm ngoái, đa số đều dự báo sức mua sẽ giảm mạnh và người tiêu dùng mua sắm ít đi…
Ông Nguyễn Chí Nguyện, phó chủ tịch hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết: “Như người bị bệnh đang cố gắng gượng dậy cho khoẻ, đến tháng 10 này các doanh nghiệp ngành thực phẩm mới bắt tay vào sản xuất hàng tết trễ, vì từ đầu năm đến nay họ đã liên tục trải qua nhiều áp lực khó khăn, nay phải tích tụ vốn liếng, nguyên liệu, nhân công…”
Thông tin từ FFA cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều không tăng sản lượng. Điển hình như một thành viên làm hàng nước giải khát, công ty Bidrico, mãi đến tuần cuối cùng của tháng 9 mới bắt đầu trữ dần nguyên liệu vào kho và tuyển thêm 80 nhân viên làm thời vụ cho đợt sản xuất hàng bán tết, trong khi năm ngoái, công ty này phải tuyển thêm trên 200 nhân viên.
Ít doanh nghiệp dự báo nhu cầu tăng
Ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc Bidrico, cho biết: “Thực tế cho thấy sức mua tiếp tục giảm”. Theo ông Hiến, dự kiến tổng lượng hàng bán tết sẽ chỉ bằng năm ngoái và phải sử dụng các hình thức khuyến mãi cho cả người bán sỉ và người tiêu dùng trực tiếp, đưa ra thêm một số loại sản phẩm mới, làm lại tất cả bao bì mới, đẹp mắt hơn song bán với giá cũ.
Cuối tuần qua, ban giám đốc nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) mới họp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết 2013. Sau nhiều thảo luận, đánh giá dự báo cung cầu nguyên liệu, giá cả, sức mua… D&F đi đến quyết định việc trữ hàng tết năm nay thực hiện theo kiểu đến đâu lo đến đó. Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc D&F cho biết, mọi năm, đến thời điểm này, thị trường nguyên liệu đã hình thành nguồn cung, giá để doanh nghiệp lập dự toán chi phí đầu vào. Còn năm nay, không ai dự báo được xu hướng giá giảm kéo dài bao lâu. “Đối với mặt hàng tươi sống, D&F chỉ đầu tư nuôi một phần, còn lại chúng tôi dựa vào nguồn cung bên ngoài. Nếu cận tết giá lên thì bán lên, giá xuống thì bán xuống. Mặt hàng chế biến cũng vậy, chưa vội sản xuất tràn làn như các năm trước”, ông Phương nói.
Ở công ty sản xuất thực phẩm Việt Hương, dự kiến đến cuối tháng 11 mới bắt đầu sản xuất hàng dự trữ bán tết. Theo ông Nguyễn Kim Ngân, tổng giám đốc Việt Hương: “Lượng hàng bán tết này khó có thể tăng nhiều được, nên không cần sản xuất sớm”.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá thịt heo có nguy cơ tăng vào thời gian tới do lượng nuôi tái đàn thấp.
Công ty chế biến thực phẩm Sài Gòn Food cũng vừa bắt đầu quy trình sản xuất hàng bán cuối năm với kế hoạch sản lượng thành phẩm bằng năm ngoái. Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó giám đốc công ty, dự báo: “Nếu sắm hàng tết, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu trong gia đình, nên khó có thể tăng sản lượng các mặt hàng đông lạnh”.
Chất thêm khó khăn
Tham khảo ý kiến từ mười doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khác nhau, tất cả đều dự đoán thị trường hàng tết năm nay có quá nhiều rủi ro từ biến động nguyên liệu, các loại chi phí, sức mua… “Nguyên liệu heo, gà thì tạm thời còn ở mức thấp, nhưng một vài tháng nữa biết đâu tăng trở lại theo xăng dầu, lãi suất, điện, nước…”, ông Phương phân tích. Cùng quan điểm này, ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan cho rằng, mặt hàng thực phẩm thì giá bán hiện nay vẫn rất thấp, nhưng tiềm ẩn nguy cơ tăng giá rất lớn trong các tháng tới đây, nhất là vào dịp tết. “Vài tháng gần đây đã xảy ra năm lần tăng giá nguyên liệu thức ăn, cộng với giá bán sản phẩm thấp là những sức ép tích tụ tăng giá rất lớn lên dịp tết”, ông Mười nói.
Sau khi giữ nguyên giá từ tháng được 11 tháng, Sài Gòn Food dự kiến tăng giá 10% từ tháng 10.2012, nhưng phía nhà phân phối (siêu thị) không đồng ý. Bà Lâm tính toán: “Lương cho công nhân tăng 15%, nguyên liệu thuỷ hải sản tăng 5 – 15% tuỳ loại, chi phí tiếp thị, bao bì mới… làm giá thành sản phẩm tăng ít nhất 10%, nếu không tăng giá, sản xuất không có lãi”.
Nhận định thị trường thực phẩm các tháng tới, ông Lê Bá Lịch, chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng cho biết mãi đến vài tuần cuối tháng 9 vừa qua tiêu thụ thức ăn mới chớm tăng, còn các tháng trước đó giảm rất mạnh do người chăn nuôi thua lỗ, giảm tái đàn. “Trung bình mỗi tháng lĩnh vực chăn nuôi tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn thức ăn, nhưng quý 2 và 3 vừa qua giảm còn 600.000 – 800.000 tấn, cho thấy việc tái đàn giảm mạnh. Tôi nghĩ nếu tháng 10 mà tiêu thụ thức ăn không tăng thì chắc chắn nguồn cung thực phẩm cuối năm sẽ có vấn đề”, ông Lịch nói.
“Nguyên liệu bây giờ đang rẻ, có thể mua về sản xuất được. Nhưng tình hình kinh tế, thu nhập như thế này thì làm sao có thể biết sức mua năm nay sẽ như thế nào, coi chừng dự trữ đầy kho rồi đắp chiếu để đó”, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agifish An Giang nói. Năm ngoái, bắt đầu từ tháng 9 dương lịch Agifish An Giang sản xuất hàng tết, còn năm nay, ông Ký khẳng định phải đến tháng 11 mới tính đến làm hàng tết vì năm nay “vẫn chưa có cơ sở để nhận định thị trường” nên không dám làm sớm.