Hàng Tết "3 không": Sử dụng vô hạn, chất lượng vô biên
Cận tết, các loại bánh, kẹo, mứt… đổ về các chợ, cửa hàng, quầy tạp hóa tại TPHCM ngày càng nhiều. Trong đó, hàng có chữ Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc… không nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng vẫn tràn chợ.
Hàng chất lượng… “3 không”
Trưa ngày 15/1, chợ Bình Tây (Q.6) bày la liệt các loại mứt, hạt khô, trái cây sấy mời gọi khách mua. Giới thiệu món mứt mới chà là Ai Cập, tiểu thương quầy C.O niềm nở: “Hàng nhập khẩu chính hãng mới về đó chị, giá chỉ 60.000 đồng/kg. Hàng này đang bán chạy lắm vì có vị chua ngọt vừa phải, chị dùng thử!”. Đề nghị xem bao bì, người này nấn ná bảo: “Hàng em nhập nguyên thùng 50kg, nếu chị đồng ý mua nguyên thùng thì em gọi người nhà chở ra cho chị. Trên thùng có đầy đủ tên tuổi đơn vị sản xuất, nhập khẩu, hạn sử dụng”.
Khi hỏi mua kẹo socola hình đồng tiền, thỏi vàng, tiểu thương chợ này ra giá: Hàng xá (cân ký) là 70.000 đồng/kg, còn đóng gói thì 100.000 đồng/bịch. Thanh kẹo socola chỉ có độc mỗi giấy gói màu vàng có chữ SJC, người bán giải thích, đây là hàng công ty, họ giao sao bán vậy. Không bao bì thì giá sẽ rẻ hơn, hợp túi tiền hơn để khách mua về đãi khách mấy ngày tết.
Bánh mứt nội, ngoại “3 không” tràn ngập chợ tết Sài Gòn Ảnh: U.P
Mặc dù khẳng định hàng Việt Nam chất lượng cao, thế nhưng hầu hết các loại bánh mứt bày bán tại các chợ như Bến Thành (Q.1), An Đông (Q.5), Bình Tây (Q.6) đều “mình trần” chờ khách. Nhiều loại mứt dừa, mứt nho, mứt bí... được đắp miếng bạt nhựa sơ sài, có cả ruồi bay vào trong; hạt điều, hạt bí… bỏ trong bọc ni-lon, cột dây thun sơ sài. “3 không” chính là điểm chung của các loại bánh mứt, kẹo tết. Cầm bịch mứt dừa thương hiệu Thanh Điệp (ấp 2, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) trên tay, chúng tôi thấy nhãn mác chỉ là tờ giấy photo đính bên ngoài bao bì, không có ngày sản xuất, không hạn sử dụng.
Theo quan sát, bánh mứt tết có đủ loại nội lẫn ngoại. Hàng Việt thì có mứt bí, mứt dừa, hạt điều…; hàng ngoại thì có nho Mỹ, đào Hàn Quốc, kiwi Úc… Tất cả đều có giá tầm 60.000-100.000 đồng/kg. Khi hỏi mua Hồng sấy, tiểu thương tên Thanh (chợ An Đông, Q.5) chào giá: “Hồng sấy Hàn Quốc giá 120.000 đồng/kg. Ngon lắm, nó dẻo và vị thanh hơn hồng Đà Lạt nhiều”. Thắc mắc hộp đựng hồng vẫn còn nguyên chữ Trung Quốc, tiểu thương lấp liếm: “Bảo đảm với em hàng Hàn Quốc chính gốc, em mua số lượng nhiều đi, chị kêu người đưa hóa đơn nhập hàng ra cho em coi”. Khi đề nghị xem hóa đơn trước rồi mua, người này cương quyết không chịu.
Một số trang mạng bán hàng online thì giá các loại hạt ngoại như trên đều có giá từ 400.000-1 triệu đồng/kg (tùy loại).
Có hàng Trung Quốc?
Bà Trương Muội, tiểu thương chợ An Đông cho biết: “Khi người giao hàng cho mình, họ nói thẳng đó là hàng Trung Quốc. Chịu thì mua, không thì thôi! Còn việc khi đến tay người tiêu dùng, tiểu thương có thể gắn “chứng minh thư” khác cho sản phẩm để lừa người tiêu dùng”. Tuy nhiên, theo bà Muội, hàng Trung Quốc cũng có nhiều loại chứ không phải tất cả đều xấu, kém chất lượng. Hàng kém chất lượng là do người đi buôn hàng theo đường tiểu ngạch, mua hàng rẻ về bán lại. Còn những sản phẩm nhập khẩu chính hãng thì chất lượng đều rất tốt.
Trả lời về việc có hàng Trung Quốc trong chợ hay không, ông Cao Văn Thành, Phó ban quản lý chợ Bình Tây cho hay, đa số đều là hàng của các cơ sở trong nước. “Tuy nhiên mình không phân biệt nguồn hàng của nước nào, chỉ cần tiểu thương đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các hộ kinh doanh không đảm bảo hàng hóa có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ. Mức độ xử lý như thế nào sẽ do liên đoàn của quận phối hợp xử lý. Còn tại chợ sẽ căn cứ vào nội quy chợ, nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị đình chỉ kinh doanh”, ông Thành nói.
Ngày 15/1, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM ra quân kiểm tra thực phẩm trên địa bàn thành phố, đồng thời test nhanh các mẫu sản phẩm ngay tại chỗ. Trong đó, 16 hộ kinh doanh nguyên liệu, phụ gia thực phẩm ở chợ Kim Biên đều trưng ra được các giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn bán hàng. Sản phẩm đều bán “nguyên đai nguyên kiện” chứ không còn xé lẻ như trước đây.
Chia sẻ về góc độ quản lý thực phẩm mùa tết, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý ATTP TPHCM cho biết: “Tử thần” không ở đâu xa mà ở ngay lương tâm của người mua, người bán. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nếu kinh doanh phụ gia không có trong danh mục, phụ gia quá đát sẽ bị phạt từ 80-100 triệu đồng. Còn nếu gây thiệt hại lớn thì có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, để bắt quả tang cũng vô cùng khó. Nếu đơn vị, cá nhân nào biết cửa hàng nào ngoài 16 cửa hàng trong chợ Kim Biên kinh doanh những nguyên liệu, phụ gia vì mục đích khác thì nên báo ngay với Ban quản lý để bắt tận tay”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, trong dịp Tết, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, do đó, đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát trong thời gian tới. “Các lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…” - ông Phong nhấn mạnh.
“Khen ngon mà có hỏi nhãn mác gì đâu…” Sâu trong hẻm đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), những hàng quán di động bày đủ loại dưa hành ngày tết như kim chi, kiệu ngâm chua ngọt, dưa món, cải chua, măng khô… Thức ăn đựng trong các thau nhựa, được vun cao với đủ màu nhìn rất bắt mắt. Tuy nhiên sản phẩm được phơi trần giữa đường mặc khói bụi từ xe cộ. Cầm chiếc quạt phe phẩy đuổi ruồi, bà Sáu (bán hàng) giới thiệu: “Tui bán hàng này chục năm nay rồi. Tui làm theo phương pháp truyền thống không hóa chất, nhiều người ăn thành mối quen, ai cũng khen ngon mà có hỏi nhãn mác gì đâu”. |