Hàng Tàu thống lĩnh chợ đầu mối Việt

Tại các chợ đầu mối lớn trên toàn quốc, hàng Tàu dường như đang thống trị, để từ đó tỏa về các điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở các vùng miền. Mối lo hàng Tàu “lấn sân” hàng Việt ngày càng lớn khi thời điểm năm 2015, Hiệp định ASEAN + 1 có hiệu lực, hàng hóa Trung Quốc và các nước trong khu vực có thuế suất 0% đang đến gần.

Chợ truyền thống “chê” hàng Việt…

Gọi chợ Đồng Xuân (Hà Nội) là “thủ phủ hàng Tàu” cũng không ngoa, bởi trong ngút ngàn hàng hóa tại đây, chỉ có đôi ba gian hàng Việt chất lượng cao, xem chừng bị nuốt chửng bởi hơn 2.000 hộ kinh doanh “gần 100% hàng Tàu”. Thống kê từ Ban quản lý chợ cho biết, trung bình, chợ Đồng Xuân luân chuyển từ 10 - 15 tấn hàng/ngày, đủ thấy lượng hàng Tàu từ chợ đầu mối này tỏa đi khắp các điểm kinh doanh nhỏ lẻ nhiều cỡ nào… 

"Để các chợ đầu mối chấp nhận hàng Việt, cơ quan chức năng, ban quản lý chợ và các doanh nghiệp hàng Việt cần sắp xếp, bố trí nhiều ngành hàng, tạo kênh phân phối đa dạng tại các chợ đầu mối. Đây là việc khó, nhưng vẫn phải làm, nếu không đến năm 2015, khi Hiệp định ASEAN + 1 có hiệu lực, hàng hóa Trung Quốc và các nước trong khu vực có thuế suất 0% sẽ tràn ngập thị trường, việc khôi phục và phát triển hàng Việt tại các chợ đầu mối càng khó”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Bất cứ thứ gì cũng có thể tìm thấy ở chợ Đồng Xuân, từ những đồ dùng nhỏ nhất như cái kim sợi chỉ, đến thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, mỹ phẩm, trang sức, hàng gia dụng, đồ điện tử… Theo Ban quản lý chợ, có tới 2/3 số gian hàng tại đây kinh doanh vải vóc, quần áo; số còn lại bán giày dép, mỹ phẩm, đồ trang sức, đồ gia dụng…, gần 200 gian hàng dành cho thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống và hơn chục gian hàng kinh doanh phụ gia các loại.

Tại một số quầy hàng chuyên về quần áo, đồ lót, phóng viên không tìm thấy bất cứ sản phẩm nào của Việt Nam. Các mặt hàng phong phú, đủ kiểu dáng, nhưng giá lại rất mềm, chỉ từ hơn chục nghìn đến đắt nhất là khoảng 300.000 đồng/sản phẩm. Đồ lót được bán theo chục, giá mua lẻ sẽ tăng khoảng 10-15%. Hỏi về xuất xứ, chủ các cửa hàng khẳng định quần áo tại chợ Đồng Xuân 90% là hàng Trung Quốc. “Hàng hóa ở đây, nếu được bắn mác các thương hiệu hàng hóa khác thì thực chất đa số cũng là hàng Tàu…” - một người bán vải khẳng định.

Ngay tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội chuyên cung cấp thực phẩm, hoa quả, cũng bán công khai một lượng lớn hoa quả, thực phẩm khô có xuất xứ từ Trung Quốc. Không thiếu các mặt hàng Trung Quốc đã được cảnh báo vì có chất độc hại, vẫn được công khai bày bán ở đây và được nhiều người tiêu dùng chấp nhận. Đơn cử như các loại gừng, tỏi, nấm khô, măng khô, gia vị hay hoa quả của Trung Quốc, đã được cảnh báo rất nhiều về khả năng có thể gây hại và nguy cơ cho sức khỏe, nhưng vẫn tràn ngập và “hút” khách.

Hàng Tàu thống lĩnh chợ đầu mối Việt - 1

Quần áo tại chợ Xanh, Cầu Giấy chủ yếu là hàng Tàu giá rẻ

Rào cản nào cho hàng Việt?

Lý giải nguyên nhân nhiều chợ đầu mối “quay lưng” với hàng Việt, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, chính nhược điểm về giá thành, mẫu mã làm hàng Việt khó cạnh tranh với hàng nước ngoài, nhất là hàng Trung Quốc. Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đồng Xuân cho biết, việc lựa chọn buôn bán mặt hàng gì, xuất xứ từ đâu là quyền của tiểu thương, ban quản lý các chợ không thể can thiệp được, có chăng chỉ phối kết hợp với các lực lượng quản lý thị trường, lực lượng thanh tra, kiểm soát, xử lý với những mặt hàng không chứng minh được nguồn gốc, không có hóa đơn mua bán…

Tiểu thương tại các chợ đầu mối cũng thừa nhận hàng Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã đẹp, việc mua bán, giao dịch với các đối tác người Trung Quốc lại rất dễ dàng. Chính các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Việt Nam còn e dè, đưa ra nhiều điều khoản, chứ người Trung Quốc lại rất thoáng, chấp nhận “đồng chịu đồng giả” hoặc đưa hàng trước rồi thu tiền sau. “Đã làm kinh doanh thì được tạo điều kiện, thấy lãi thì bán, không phân biệt hàng nước nào” - chị Hằng, kinh doanh đồ chơi trẻ em ở chợ Đồng Xuân cho biết. Còn theo chị Lê Thị Hoài, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội đang mua sắm tại chợ Đồng Xuân thì: “Hàng Tàu hay hàng Việt cũng thế, mẫu mã đẹp, rẻ, phù hợp với tôi thì tôi mua”. Anh Đỗ Văn Tiến, một tiểu thương chuyên mua hàng từ chợ Đồng Xuân về bỏ mối tại chợ quê ở Ba Vì (Hà Nội) cũng thừa nhận hàng Tàu đa dạng về mẫu mã, chủng loại, người nghèo nhất cũng có thể mua được, nên dễ tiêu thụ tại các chợ nhỏ lẻ, vùng nông thôn. “Tâm lý ai chẳng muốn dùng hàng tốt, hàng xịn, nhưng thu nhập có hạn thì lấy đâu ra tiền mà mua?” - anh Tiến cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Minh (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN