Hàng quán tố “ăn dày” phí đơn hàng đặt đồ ăn, hãng công nghệ nói vẫn phải bù lỗ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ứng dụng giao thức ăn cho hay phải liên tục "bơm tiền" đầu tư công nghệ, vận hành hệ thống và quảng bá cho nhà hàng. Do đó, nguồn thu trên các app như Grab, Gojek, Be không thụ hưởng được bao nhiêu thậm chí còn phải bù lỗ.

Thời gian gần đây, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn và thức uống tại TP.HCM than phiền doanh thu cao mà không thấy lãi vì chi phí mà các ứng dụng đặt đồ ăn (app) áp cho mỗi đơn hàng quá cao. 

Theo đó, các app đặt thức ăn có thị phần lớn hiện nay như Grab, ShopeeFood, Be, Gojek, Baemin,… bị các hàng quán tố thu phí lên đến 20 - 30% cho mỗi đơn hàng.

Làn sóng rời bỏ hoặc bớt phụ thuộc vào các app giao đồ ăn đang diễn ra mạnh mẽ.

Làn sóng rời bỏ hoặc bớt phụ thuộc vào các app giao đồ ăn đang diễn ra mạnh mẽ.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Ngô Văn Hà (quận Bình Thạnh), kinh doanh hệ thống 10 cửa hàng, cho biết đã đề nghị giảm chiết khấu xuống 12 - 15%, bù lại sẽ tăng quảng cáo.

Tuy nhiên, nhiều app không chấp nhận, vẫn thu đủ 20 - 25%. "Đàm phán tốt, doanh nghiệp có thể được giảm mức chiết khấu. Tuy nhiên, những trường hợp được giảm không nhiều", ông Hà than.

Anh Nguyễn Đỉnh (quận Tân Bình) cho biết, chiết khấu trên đơn hàng của các ứng dụng khác nhau tùy vị trí, quán ăn và thời gian hợp tác, trung bình là 25 - 27,5%. Phí này những năm trước chỉ ở mức khoảng 15 - 20%, sau đó tăng dần.

"Ban đầu có nhiều khách đặt khi app tăng khuyến mãi, sau đó từng bước đưa chủ quán vào thế phải khuyến mãi mạnh hơn mới có khách.

Mình phải chi tiền quảng cáo, ưu đãi 20 - 30% mới xuất hiện nổi bật trên gian hàng online của app. Càng phụ thuộc app, chi tiền khuyến mãi quá nhiều, doanh thu cao nhưng lợi nhuận giảm", anh Đỉnh nói và cho biết đã gỡ bỏ gian hàng trên một số ứng dụng.

Về phía các hãng công nghệ giao đồ ăn, báo Người lao động dẫn lời đại diện truyền thông của một ứng dụng giao đồ ăn đã lên tiếng. Hiện ứng dụng này có 2 loại phí trên dịch vụ đặt món, gồm phí mà nhà hàng trả trên giá món và tiền ship.

Để mang lại chi phí tiết kiệm hơn cho khách hàng cũng như cân bằng lợi ích của tài xế, nhà hàng, ứng dụng giao đồ ăn này cũng có nhiều tính năng như lựa chọn giao hàng tiết kiệm với phí ship rẻ hơn, rồi đặt đơn nhóm để tiết kiệm phí giao hàng vì phí được chia đều ra cho tất cả những người tham gia đặt hàng.

Trong khi đại diện truyền thông của hãng giao đồ ăn trên không đi thẳng vào vấn đề thu phí cao, thì đại diện của Baemin thừa nhận đúng là phí qua app có cao nên khách hàng đặt hàng trên mạng giảm sút mạnh cũng là điều dễ hiểu. Giá trị của một đơn hàng chỉ 50.000 đồng nhưng cộng với phí đã bị đẩy lên 70.000 - 80.000 đồng. Do đó, khách đặt hàng trên mạng chỉ chịu đặt hàng khi thấy có khuyến mãi, giảm giá mạnh.

Thông tin từ Gojek, Be, phí trên không chỉ phục vụ cho hoạt động mà còn chi vào các chương trình quảng bá cho các đối tác nhà hàng, quán ăn kể cả đối tác tài xế cũng như hỗ trợ cho ưu đãi giảm giá cho khách hàng. Do đó, nguồn thu trên các app họ không thụ hưởng được bao nhiêu thậm chí họ còn phải bù lỗ.

Biến món ăn “nhà nghèo” thành đặc sản, 8X Mộc Châu thu cả trăm triệu đồng mỗi tháng

Từ loại nguyên liệu rẻ như cho được trồng rải rác quanh các bản làng xa xôi của Mộc Châu, chị Duyên đã “biến tấu” thành loại bánh đặc sản, sử dụng trong nhà hàng, mỗi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN