Hàng quán tại TP.HCM: Mua online nhiều, ăn tại chỗ ít, vẫn giữ khoảng cách an toàn
Cả khách lẫn hàng quán lớn đều giữ lại nhiều thói quen đảm bảo vệ sinh và giữ an toàn trong giai đoạn sau cách ly xã hội.
Mặc dù hàng quán đã mở lại gần như bình thường, nhiều người vẫn giữ thói quen mua đồ ăn thức uống qua ứng dụng, mua mang về, và vẫn giữ các thói quen an toàn như thời điểm cách ly xã hội.
Chị Thảo, nhân viên một công ty truyền thông ở Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết vẫn giữ thói quen đặt đồ ăn về nhà sau giờ làm, hạn chế tụ tập bạn bè như thời gian trước.
“Thường trước đây tôi hay ra ngoài ăn tối cùng bạn bè, nhưng dạo gần đây sau giờ làm sẽ ưu tiên về nhà, đặt đồ ăn qua ứng dụng”, chị Thảo nói. Đây là thói quen chị có được trong giai đoạn phải làm việc tại nhà, và bắt đầu cảm thấy việc ăn ở nhà cũng có niềm vui riêng so với ăn tại chỗ.
Khách và shipper bên trong một quán ăn tại Quận 1 (TP.HCM) giai đoạn sau cách ly xã hội. Ảnh: Hải Đăng
Chị Uyên (Tân Bình, TP.HCM) sau một lần vào quán cà phê quen không được ngồi lại vì quán đã đủ 20 người theo quy định, chị bắt đầu đặt mua online.
Cả hai vợ chồng đặt thức uống yêu thích, mở máy lạnh, mở nhạc tại nhà và ngồi vừa thưởng thức món uống mới vừa nói chuyện. Việc này hai vợ chồng đã khá quen trong giai đoạn gần một tháng hạn chế ra đường.
“Tất nhiên tôi vẫn thích ngồi quán nhưng hiểu rằng mình có thể chọn lựa khác đi. Vẫn vui!”, chị Uyên nói.
Cách đây vài ngày, sau thời điểm chấm dứt cách ly xã hội, đại diện một ứng dụng gọi xe lớn tại Việt Nam cho biết lượng khách đặt đồ ăn thức uống online vẫn không thay đổi nhiều so với trong giai đoạn cách ly, thậm chí tăng nhẹ do rơi vào cuối tuần và người dân bắt đầu đổ về thành phố.
Được mở cửa trở lại, tất cả các chuỗi, các hàng quán lớn đều tuân thủ chặt chẽ quy định không tập trung quá 20 người (TP.HCM bắt đầu cho tập trung 30 người trở xuống từ 29/4, nhiều tỉnh thành khác cũng áp dụng tương tự).
Các quán cà phê lớn, các chuỗi nhà hàng đều sắp xếp lại bàn ghế ít hơn so với trước, bảo đảm khoảng cách giữa các bàn với nhau. Có trường hợp, cả gia đình đi 4 người bị chia ngồi thành hai bàn khác nhau, mỗi bàn hai người.
Cùng với đó, khách vào quán bắt đầu quen với hình ảnh các chai nước xịt khử khuẩn được đặt ở quầy thu ngân, trên bàn ăn, hay ngay tại cổng ra vào.
Nhiều chuỗi có hẳn nhân viên đứng trước cửa và yêu cầu khách trước khi vào phải rửa tay, có nơi còn bắt đo thân nhiệt.
Để giữ khoảng cách an toàn 2 mét, một số nơi đã thiết kế để khách và nhân viên không tiếp xúc gần. Các thiết kế này được làm từ giai đoạn cách ly xã hội nhưng giờ vẫn được sử dụng.
Chẳng hạn tại một chuỗi quán cà phê lớn, khách và shipper khi tới đặt thức uống buộc phải đứng sau một lằn ranh có dây căng ngang. Một hệ thống ròng rọc được sử dụng để khách bỏ tiền vào đó. Nhân viên trả tiền thối lại và hoá đơn cũng qua thiết bị này.
Một quán bán nước uống rau má ở Phú Nhuận thực hiện các biện pháp an toàn, không tiếp xúc. Ảnh: Hải Đăng
Tại một quán bán rau má trên đường Phan Xích Long (Phú Nhuận, TP.HCM), một barrier kim loại cũng ngăn cách người mua với quầy hàng đúng khoảng cách 2 mét. Nhân viên và khách đưa tiền, nhận nước đều phải đặt trên mặt bàn, không tiếp xúc trực tiếp với nhau. Chỗ này còn có cả một rổ đựng hoá đơn riêng nếu khách muốn lấy hoặc dành cho shipper.
Tại nhiều nơi, các quy định về đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn đều đang được áp dụng khá tốt. Có thể nói, sau giai đoạn này, nhiều hàng quán và khách hàng sẽ hình thành được các thói quen mới, giữ vệ sinh tốt hơn và thói quen ăn uống, mua sắm cũng sẽ thay đổi.
Nguồn: [Link nguồn]
Tại Hà Nội, nhiều trung tâm thương mại đã mở cửa trở lại. Các cửa hàng, thương hiệu áp dụng chương trình khuyến mại...