Hàng nghìn tấn rau nằm ruộng, nông dân thấp thỏm ''đỏ mắt'' chờ người mua
Đã đến vụ thu hoạch chính nhưng hàng nghìn tấn rau của người dân xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vẫn “nằm ruộng” chờ người mua. Bà con nông dân thấp thỏm, lo âu.
Những ngày này, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Hạn chế đi lại đã làm cho việc vận chuyển, buôn bán, nhất là hàng hóa của người nông dân gặp nhiều trở ngại.
Hàng nghìn tấn rau ở xã Nghi Thuận đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua
Toàn xã Nghi Thuận có gần 600 hộ trồng rau xen canh. Hiện, trên địa bàn có khoảng 50ha rau đến vụ thu hoạch, chủ yếu là cải ngọt, cải mỡ, cải nhồi, dưa chuột, mướp đắng…
Nếu tính trên toàn bộ diện tích, mỗi lứa thu hoạch được 4.000 tấn, mỗi vụ thu hoạch 7 - 8 lứa thì cả vụ cũng thu được trên dưới 30.000 tấn rau. Những năm được mùa thu nhập từ cánh đồng rau cũng góp phần giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, các thương lái không đến thu mua nên một lượng lớn rau ùn ứ trên cánh đồng, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Rau ùn ứ trên các cánh đồng khiến người dân như "ngồi trên lửa"
Khác với các loại cây màu khác, nếu như không kịp thu hoạch, rau sẽ già và thối rữa, thu hoạch xong chưa bán kịp cũng không thể bảo quản được lâu nên việc rau ùn ứ trên các cánh đồng khiến người dân như "ngồi trên lửa".
Chị Nguyễn Thị Bình (xóm Eo Bù, xã Nghĩa Thuận) chia sẻ: “Đến thời điểm này, nếu như mọi năm gia đình đã bán được 4 - 5 lứa thì nay mới bán được 1 lứa. Phần lớn số lượng rau chủ yếu bán thông qua tổ chức, đoàn thể, các mạnh thường quân mua rau cứu trợ cho các nơi bị phong tỏa do dịch bệnh với số lượng hạn chế. Hiện tại, rau đã đến kỳ cần phải xuất nhưng chưa biết bán cho ai”.
Hàng nghìn tấn rau không có thương lái thu mua
Tương tự, bà Nguyễn Thị Sen cho hay: “Trước dịch mỗi kg rau chúng tôi bán giá khoảng 20.000 đồng, nhưng nay chúng tôi chỉ bán được bình quân 6.000 - 8.000 đồng/kg. Bán với giá này xem như hòa vốn nhưng nếu không bán cũng phải nhổ bỏ vì đến đợt thu hoạch mà không hái, rau sẽ bị già đi, không ai ăn nữa”.
Đặc thù của rau cải ngọt là cắt bán theo lứa, cắt sát gốc lứa này, chăm bón thì sau 7-10 ngày lại cho thu hoạch lứa khác. Bình thường mỗi vụ rau, kéo dài từ tháng 7 âm lịch đến tháng 9 âm lịch thu hoạch 8 - 10 lứa. Vậy nên, khi rau ế, không thu hoạch kịp thì sẽ ảnh hưởng đến các lứa tiếp theo.
Nông dân chỉ dám thu hoạch cầm chừng
Hơn nữa, do đặc thù trồng xen canh trên hành tăm nên việc để rau quá lứa trên các cánh đồng sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây hành. Tháng 3/2021 vừa qua, bà con xã Nghi Thuận thất thu khi hành tăm giá xuống “chạm đáy”, không bán được, nay vào vụ rau lại không có đầu ra khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Một lượng lớn diện tích mướp đắng cũng đã đến kỳ thu hoạch nhưng đành "nằm ruộng" vì không có người mua
Ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận cho biết: “Cùng với hành tăm, rau màu là cây chủ lực của địa phương. Trước đây, rau cung cấp cho chợ đầu mối Vinh, xuất đi Hà Tĩnh, Hà Nội… Năm nay, dịch phức tạp, thương lái trên địa bàn chuyên thu mua rau lại liên quan đến chợ đầu mối, phải cách ly nên không có người thu mua, cũng không vận chuyển đi tiêu thụ các nơi khác. Hàng nghìn tấn rau đã đến lứa cắt nhưng đành nằm ruộng”.
Loại mít không mủ, không hạt, không xơ, bổ ra có thể ăn ngay như dưa hấu đang "gây bão" cộng đồng mạng.
Nguồn: [Link nguồn]