Hàng nghìn "quả bom bẩn" náu mình ở cảng biển: Trách nhiệm thuộc về ai

Sự kiện: Kinh Doanh

Tính đến nay vẫn còn hàng nghìn container hàng phế liệu nhập khẩu vào các cảng ở Việt Nam gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cảng nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để xử lý, thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm.

Ngày 2/8, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức cuộc họp về việc tăng cường kiểm soát hàng hoá container phế liệu nhập khẩu và xử lý hàng hoá container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh đang tồn đọng hàng nghìn container phế liệu ở các cảng biển, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Hàng hải, Vụ Vận tải, các doanh nghiệp khai thác cảng và đại diện nhiều hãng tàu. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý container hàng phế liệu tồn đọng lại không có mặt?

Hàng nghìn "quả bom bẩn" náu mình ở cảng biển: Trách nhiệm thuộc về ai - 1

Hàng nghìn container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái, TPHCM. Ảnh: N.B.

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 26/6, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển ở TPHCM và Hải Phòng là 5.724 container. Trong đó, số phế liệu do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container với hơn 2.000 container quá 90 ngày. Tại Hải Phòng còn tồn đọng hơn 1.000 container lưu quá 90 ngày.

Tại cuộc họp, đại diện các cảng hàng hoá tại TPHCM, Vũng Tàu cho rằng mình là nạn nhân của các doanh nghiệp nhập khẩu, nạn nhân của cơ chế hiện nay khi quy trình cấp phép nhập khẩu phế thải còn buông lỏng, thời gian xử lý hàng tồn đọng kéo dài chiếm diện tích cảng, gây thiệt hại nặng về kinh tế.

Ông Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Trung tâm điều độ - Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, các doanh nghiệp nhập khẩu khi gửi hồ sơ nhập khẩu cho cơ quan hải quan thì khai là phế liệu nhưng gửi cho các hãng tàu, cảng biển thì là một danh sách dài lê thê như “văn tả cảnh”, không biết đâu là hàng phế liệu nhằm che giấu hàng hoá của mình để được bốc xếp lên cảng. “Quy trình nhập khẩu một container chỉ mất 7 ngày. Nhưng khi tồn đọng khoảng 1 quý thì chúng tôi mất cơ hội kinh doanh 14 container khác. Với hàng nghìn container tồn đọng thì thiệt hại của doanh nghiệp khai thác cảng là rất lớn”, ông Nam nói.

Đại diện các hãng tàu cũng cho mình là nạn nhân bởi không có quyền kiểm tra hàng hoá vận chuyển, không biết bên trong các container chứa hàng gì mà chỉ dựa trên khai báo của doanh nghiệp nhập khẩu. Khi về tới Việt Nam, phát hiện có “biến” các doanh nghiệp nhập khẩu “bỏ của chạy lấy người” khiến cả doanh nghiệp cảng, hãng tàu đều chịu thiệt hại nặng do thời gian lưu container lâu, ách tắc cảng, kinh phí xử lý…

Theo đại diện các doanh nghiệp cảng và hãng tàu, hiện vẫn còn quá nhiều đơn vị quản lý việc nhập khẩu phế liệu, quy trình xử lý còn nhiều vướng mắc, tốn thời gian nên cần phải quy về một mối, phải có một “nhạc trưởng” để xử lý việc này cũng như việc cấp bách thành lập chính quyền cảng.

Ông Nguyễn Phương Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc tồn đọng lượng lớn container hàng phế liệu là do vướng mắc giữa các bộ ngành liên quan, thời gian xử lý hàng tồn quá lâu và việc quản lý cấp phép nhập phế liệu vẫn còn buông lỏng. Việc nhập thông tin các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu lên cổng thông tin một cửa Quốc gia vẫn chưa được thực hiện.

“Mấu chốt là Bộ TN-MT cần có quy định cụ thể, danh mục các đơn vị được nhập, từng lô hàng trên chuyến hàng nhập và công khai để người vận chuyển, cơ quan hải quan, cơ quan kiểm định có thể biết được và định danh từng chuyến hàng về chứ không thể chung chung như bây giờ”, ông Nam nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Bình ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN